Cuối tuần qua, hơn 400 học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TPHCM) đã có cơ hội trải lòng và lắng nghe các chuyên gia gỡ rối tâm lý, thông qua buổi tọa đàm “Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng Covid-19”.
Th.S Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, cho rằng, rối loạn tâm lý học đường là thực trạng đang diễn ra ở tất cả trường học hiện nay. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng tìm được cách giải tỏa hoặc nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ gia đình, nhà trường.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, nhiều học sinh cho biết, do thời gian học tập trực tuyến kéo dài, hạn chế giao tiếp khiến các em rơi vào trầm cảm. Một số trường hợp gia đình có người thân mất vì dịch Covid-19 nhưng vì lo sợ bạn bè kỳ thị nên các em không dám chia sẻ với ai, tâm lý buồn chán nhiều ngày dẫn đến stress.
Thừa nhận thực tế này, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng đơn vị Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, cho biết, không phải ai cũng dám nói lên tâm sự của mình khi bị trầm cảm. Do đó, nếu ai có những cảm xúc chưa tốt thì hãy cố gắng nói với bạn thân, người gần gũi trong gia đình, hoặc tìm đến các chuyên gia tâm lý.
Ở góc độ khác, với hơn 10 năm làm công tác tư vấn tâm lý học đường, Th.S Phan Thị Cẩm Giang, giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, nhìn nhận, nhiều học sinh hiện nay chưa nhận thức đầy đủ về sức khỏe tâm thần nên khi rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực, các em không chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ. Trong mỗi gia đình đều có tủ thuốc chữa cảm cúm, các bệnh thông thường nhưng ít chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần. Tại Việt Nam, hệ thống tham vấn tâm lý lâm sàng chưa thật sự bài bản, chỉ sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân mới được quan tâm.
Theo Th.S Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8, TPHCM), không phải chỉ khi chịu tác động của dịch Covid-19 học sinh mới chịu tác động về tâm lý, mà trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tâm lý của các em cần sự trợ giúp của thầy cô giáo, bạn bè.
Dưới góc độ là người làm trong công tác quản lý giáo dục, Th.S Hồng Anh cho rằng, vai trò của người làm công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường rất quan trọng. Sự động viên, chia sẻ kịp thời của thầy, cô giáo sẽ là động lực giúp các em tự tin dần, từ đó thoát khỏi vòng luẩn quẩn của rối loạn tâm lý.