Những năm đầu, Quỹ học bổng Nguyễn Hữu Thọ tập trung chăm lo các học sinh nghèo tại các huyện ngoại thành TPHCM và các gia đình dân tộc thiểu số, con em kiều bào khó khăn tại Campuchia. Nay quỹ đã phát triển hơn, nhiều học sinh, sinh viên khó khăn trên toàn TP đều có cơ hội nhận được sự hỗ trợ từ quỹ.
Trao hơn 413.000 suất học bổng
Sau 17 năm phát động, Quỹ học bổng Nguyễn Hữu Thọ cấp TP đã trao 234.052 suất học bổng với tổng trị giá 89,5 tỷ đồng; tặng 3.351 phương tiện đi học (gồm xe đạp, vé xe buýt, vé xe đò) với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Nguồn quỹ tại cấp quận - huyện, phường - xã cũng đã trao 179.752 suất học bổng với tổng trị giá gần 156,1 tỷ đồng; tặng 6.219 phương tiện đi học với tổng kinh phí hơn 6,2 tỷ đồng.
Qua đó đã tạo thuận lợi cho hàng chục ngàn học sinh, sinh viên có điều kiện tiếp tục học văn hóa, học nghề, góp phần kéo giảm tỷ lệ học sinh học lưu ban hoặc phải bỏ học giữa chừng; giúp các em hoàn thành chương trình cao đẳng, đại học, trung học nghề, tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định, phụ giúp gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo, căn cơ ổn định cuộc sống.
Các học sinh, sinh viên được nhận học bổng Nguyễn Hữu Thọ năm 2017
Bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, cho biết: “Học bổng Nguyễn Hữu Thọ đã góp phần đưa tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng cao, xuất hiện nhiều tấm gương vượt khó học giỏi nhiều năm liền. Hàng ngàn em đã chạm tay vào ước mơ khi được nhận học bổng trong nhiều năm cho đến năm cuối tốt nghiệp đại học. Cái đáng quý nhất là kết nối được nhiều tấm lòng vàng từ các nhà hảo tâm đến với các em học sinh nghèo, để xã hội không bị hụt những nhân tài, những mầm non đẹp giúp xây dựng TP và đất nước sau này”.
Vun trồng những bông hoa đẹp
Chị Sapinah (người dân tộc Chăm, ngụ tại phường 1, quận 8) không thể hình dung được cuộc sống của 5 chị em mình sẽ ra sao nếu không nhận được học bổng Nguyễn Hữu Thọ. Giữa lúc 5 chị em Sapinah chới với đứng trước nguy cơ bỏ học thì nhận được học bổng Nguyễn Hữu Thọ.
Chị Sapinah tâm sự: “Học bổng đã kịp thời giúp cả 5 chị em tôi tiếp tục đến trường. Khi ấy chúng tôi vô cùng hạnh phúc và chỉ biết động viên nhau học tập thật tốt để giúp mình, giúp gia đình và để trả ơn cuộc đời”.
Đến nay, cả 5 chị em Sapinah đều thành đạt, trong đó chị lớn làm cán bộ ở phường. Bản thân Sapinah học cùng lúc 2 trường Đại học Y Dược và Đại học Luật TPHCM, hiện là chuyên viên Phòng Y tế quận 8. Hai cô em gái kế tiếp đều là bác sĩ, đang công tác tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình và Bệnh viện Chợ Rẫy, cô em gái út cũng sắp tốt nghiệp Đại học Y Dược Cần Thơ. Ngoài công tác chuyên môn, chị Sapinah còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội như dạy học cho trẻ lang thang, thực hiện quyên góp, vận động người thân, bạn bè tặng học bổng cho trẻ em nghèo tại địa phương.
Quỹ học bổng Nguyễn Hữu Thọ được Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phát động lần đầu vào năm 2000, nhằm giúp các học sinh, sinh viên hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và trẻ em mồ côi, khuyết tật có điều kiện tiếp tục đến trường. Suốt 17 năm qua, các địa phương và nhiều người hảo tâm đã nhiệt thành hưởng ứng.
Lê Hiệp Hên (ngụ tại phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú) cũng nhận được sự trợ giúp kịp thời và hiệu quả như vậy. Hiệp Hên hiện là sinh viên năm 2 ngành sư phạm tiểu học Trường Đại học Sài Gòn. Nhà chỉ có 2 mẹ con, mẹ Hên đi làm giúp việc nhà, nhưng vì sức khỏe yếu nên bữa được bữa không. Vì vậy, lúc học tiểu học, một buổi đến lớp, một buổi Hên phải đi bán vé số phụ mẹ. Từ nhỏ đã lo mưu sinh, khiến việc học của Hên có nguy cơ phải dừng lại. Năm 2008, phường Tân Thới Hòa đã trao học bổng Nguyễn Hữu Thọ để giúp Hên tiếp tục đi học và có cơ hội trở thành thầy giáo.
Cũng như Hên, Nguyễn Tường Hồng Nhung (ngụ tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức, sinh viên năm nhất ngành ngôn ngữ Anh Trường Đại học Sư phạm TPHCM) tưởng chừng đã phải nghỉ học từ khi vừa vào lớp 8. Cha Nhung bị bệnh tâm thần phân liệt nên không có khả năng lao động, em gái bị ung thư, đôi vai của mẹ chất chồng thêm bao khó khăn. Thương mẹ, Nhung đã có ý định nghỉ học để phụ giúp gia đình, hoặc ít nhất không thêm gánh nặng cho mẹ.
Nhung chia sẻ: “Năm 2011, đến lúc phải đành bỏ học thì em được phường báo lên nhận học bổng Nguyễn Hữu Thọ. Em nhận ra rằng chỉ có đi học mới giúp chính mình và gia đình thoát cảnh như hiện nay. Từ đó, ngoài phụ mẹ việc nhà, chăm cha và chăm em gái, thì em dốc sức học tập để không phụ ý nghĩa của suất học bổng em đã nhận”.
Có rất nhiều người đã được học bổng Nguyễn Hữu Thọ tiếp sức đến trường, nay thành đạt và quay lại giúp những người có hoàn cảnh như mình ngày xưa vượt qua khó khăn. Và đến nay Quỹ học bổng Nguyễn Hữu Thọ đã vun trồng được rất nhiều bông hoa đẹp.