Nền tảng phát triển
Tại hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được tổ chức vào trung tuần tháng 12-2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng, được xem là nhân tố thúc đẩy nền công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao; tạo nền tảng để thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững, dài hạn, tránh bẫy thu nhập trung bình.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, tính đến nay, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã có bước phát triển cả về lượng và chất, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh doanh nghiệp; đẩy mạnh việc tiếp thu, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Cả nước hiện có trên 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 4,5% doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp, xe máy, linh kiện cơ khí tiêu chuẩn, dây cáp điện, linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật, vỏ ruột xe các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang một số quốc gia trên thế giới.
Mặc dù vậy, trong số 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sản xuất phụ tùng, linh kiện, chỉ khoảng 300 doanh nghiệp tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh đó, các năm qua, số doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn chưa nhiều. Do không có nhiều nhà cung cấp nên các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng, doanh nghiệp FDI khó có thể tìm mua phụ tùng, linh kiện trong nước và phải nhập khẩu hoặc tự sản xuất.
Theo Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO), tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam là 33,2%, thấp hơn so với nhiều nước khác trong khu vực. Trong đó, tỷ lệ cung ứng từ các doanh nghiệp nội địa chỉ đạt trên 13% (tỷ lệ này ở các quốc gia lân cận là khá cao như: Trung Quốc 40%, Thái Lan gần 30%, Indonesia trên 20%...). Trong khi đó, nhu cầu tìm kiếm nguồn cung ứng tại chỗ của các doanh nghiệp Nhật Bản rất lớn, khoảng trên 60%. Cũng theo các chuyên gia, hiện nay đa số doanh nghiệp vẫn chỉ mới nhìn vào thị trường công nghiệp hỗ trợ trong nước, chưa nhìn đến thị trường toàn cầu. Trong lúc chúng ta đang hội nhập sâu rộng như hiện nay, thị trường toàn cầu mới là đích đến cần hướng tới. Chính vì vậy, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phải tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu, đây là nhiệm vụ và cũng là giải pháp để có thể mở rộng phát triển.
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nơi tập trung nhiều nhất các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoạt động, thời gian qua, TPHCM đã tăng cường nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo cầu nối giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp FDI lớn, tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu. Theo đó, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM đã đẩy mạnh Chương trình đào tạo phát triển doanh nghiệp bền vững (SCORE) tới các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo thống kê, các doanh nghiệp khi tham gia chương trình SCORE đã thu được nhiều kết quả tích cực khi 91% doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất, giảm 29% lỗi trên dây chuyền sản xuất. TPHCM cũng phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA) hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp các phương pháp, kỹ năng, cũng như lên kế hoạch nhằm mang lại hiệu suất làm việc tốt nhất. Qua thực tế triển khai tại TPHCM, các doanh nghiệp phản ánh rất tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã từng bước nâng cao được năng suất lao động, thay đổi cơ bản văn hóa sản xuất trong doanh nghiệp theo hướng kỷ luật và chuyên nghiệp hơn. Từ đó, mở ra các cơ hội hợp tác, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.
Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM cũng tích cực phối hợp với các đơn vị, hiệp hội, tìm kiếm, đề xuất những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiềm năng để Samsung cử các chuyên gia của tập đoàn xuống hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến, hướng tới tương lai sẽ là nhà cung ứng (cấp 1 hoặc cấp 2) cho tập đoàn này. Theo chuyên gia của Samsung, sau khi được hỗ trợ cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp có thể tự tin hơn khi làm việc với đối tác; từ đó tự tin hơn khi tham gia các chuỗi giá trị.
Cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết trong năm 2018, UBND TPHCM đã giao Trung tâm Phát triển công nghiệp TPHCM hỗ trợ tổ chức hàng trăm cuộc kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của thành phố với các doanh nghiệp đầu cuối, doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, để tạo sân chơi lớn, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, Sở Công thương TPHCM cũng phối hợp với các đơn vị, tổ chức chương trình “Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2018” (SFS 2018) có sự tham gia của 17 doanh nghiệp FDI lớn như: Samsung, Toshiba, DLG Ansen Electric, Mitsubishi, Bosch, Schindler, Datalogic, SCSI, Juki, Fuji Impulse… Kết nối trực tiếp với hơn 80 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Trong tháng 10-2018, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM phối hợp cùng JETRO tổ chức hội thảo, triển lãm chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ. Các buổi kết nối trực tiếp, giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam giới thiệu sản phẩm và đàm phán hợp tác kinh doanh với 33 công ty thu mua Nhật Bản tại triển lãm về công nghiệp hỗ trợ “Supporting Industry Show 2018”. Tại đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá tay nghề của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao; đồng thời nhấn mạnh, độ chính xác và chất lượng đồng đều của các đơn hàng là rất quan trọng, và các công ty Việt Nam có thể làm được. Cũng vào dịp cuối năm 2018, lần đầu tiên Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM phối hợp với Hiệp hội Máy móc công nghiệp Hàn Quốc (KOAMI), tổ chức Triển lãm quốc tế máy móc - thiết bị công nghiệp tại Việt Nam (VIMAF) và Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSIF) với quy mô 450 gian hàng, trong đó có 30% sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Qua các cuộc gặp trực tiếp, đại diện KOAMI khẳng định, các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá rất cao nội lực cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề quan ngại chỉ là khả năng cạnh tranh về giá thành của sản phẩm giữa doanh nghiệp cung ứng với doanh nghiệp phụ trợ của Hàn Quốc.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ vào nhiều thị trường phát triển như Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Mỹ, Australia, Canada. Riêng với doanh nghiệp Hàn Quốc cũng có nhiều doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung ứng, như các công ty: Minh Nguyên, Asanzo, Minh Mẫn, Việt Nhật…; trong đó, có 29 doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Tập đoàn Samsung.
Gần 100 chuyên gia được Samsung đào tạo Sau 4 khóa học được tổ chức trong năm 2018, đã có 95 học viên hoàn thành Chương trình đào tạo tư vấn viên Việt Nam. Trong đó, có nhiều học viên được lựa chọn để tiếp tục đào tạo nâng cao tại Hàn Quốc. Chương trình đào tạo tư vấn viên Việt Nam bắt đầu từ tháng 4-2018, với mục tiêu đào tạo 200 chuyên gia tư vấn người Việt có đủ năng lực để tư vấn và đào tạo lại cho các doanh nghiệp cung ứng trong ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Qua đó, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh để nắm bắt được cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Riêng tại khu vực phía Nam, Tập đoàn Samsung đã đào tạo được 2 khóa với số lượng học viên gần 50 người. Lãnh đạo Samsung nhấn mạnh, các học viên sẽ là những chuyên gia cải tiến xuất sắc, những con người có vai trò quan trọng hỗ trợ sự phát triển của nền công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới. Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), cho biết năm 2019, cục này phối hợp với chuyên gia của Tập đoàn Samsung Việt Nam sẽ tiếp tục đào tạo chuyên sâu cho các tư vấn viên. Đây là một trong những nỗ lực lớn của Samsung Việt Nam khi triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển. Đồng thời, chương trình cũng tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của Samsung tại Việt Nam là 58%. Trong số hơn 200 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tại Việt Nam, số doanh nghiệp Việt Nam hiện là 35 doanh nghiệp và mục tiêu đặt ra là 42 doanh nghiệp trong năm 2019 và 50 doanh nghiệp đến năm 2020. |