Dân làng chài lên bờ định cư
Hồ thủy điện Sê San (thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum) là nơi có nguồn lợi thủy sản dồi dào với nhiều loại cá có giá trị như cá lăng, sọc dưa. Khoảng 14 năm trước, một số người dân các tỉnh miền Tây rủ nhau lên hồ mưu sinh. Thấy làm ăn được, nhiều người khác cũng kéo lên, dần dà hình thành làng chài với 29 hộ. Dù kiếm được tiền, nhưng cuộc sống người dân luôn gặp nguy hiểm khi mưa bão, dông lốc đổ bộ. Người dân làng chài luôn khao khát được lên bờ định cư.
Ông Bùi Văn Nhàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Hdrai, cho biết, để giúp dân an tâm làm ăn, năm 2018, huyện đã xây dựng khu tái định cư. Mỗi hộ được cấp đất và được nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà. Có tiền, có đất, dân vui mừng, vay thêm tiền để xây nhà to, có căn giá trị lên đến 400 triệu đồng. Hiện tại, ban ngày người dân lên bờ sống, tối ra lòng hồ đánh cá. Sau 4 năm lên bờ định cư, cuộc sống dân làng chài đã an cư, con cái học hành thuận lợi hơn.
Đến khu tái định cư làng chài Ia Tơi (thôn 7, xã Ia Tơi) thời điểm này, chúng tôi thấy hạ tầng nơi đây được đầu tư bài bản. Căn nhà của anh Nguyễn Hồng Phúc (37 tuổi) xây dựng từ năm 2019 với diện tích khoảng 40m2, tổng kinh phí đầu tư hết 150 triệu đồng. Trong đó, có 50 triệu đồng do nhà nước hỗ trợ, số còn lại anh tự huy động. Lúc chúng tôi có mặt, anh đang hì hục xây phần cổng nhà, gương mặt lộ rõ sự phấn khởi. Anh Phúc cho biết, bản thân sinh ra ở An Giang, cuộc sống khá khó khăn. 8 năm trước, theo lời giới thiệu, anh rời quê lên làng chài mưu sinh. Tại đây, thu nhập từ nghề nuôi, đánh cá đều ổn định, cái khó là nguy hiểm vào mùa mưa bão và việc đưa đón con đi học xa, đường gập ghềnh, té ngã liên tục. “Mình từng mơ có mảnh đất trên bờ để xây nhà cho con cái ở, đi học thuận tiện. Giấc mơ thành hiện thực khi địa phương cấp cho thửa đất rộng 400m2, còn hỗ trợ tiền. Nhờ đó, gia đình đã xây được nhà, cuộc sống thoải mái hơn”, anh Phúc nói.
Hết nỗi lo núi lấp nhà
Nhiều khu dân cư có nguy bị sạt lở, hoặc nằm biệt lập, cũng được nhà nước di dời đến nơi ở mới an toàn, đầy đủ tiện nghi. Nhiều năm trước, khi còn ở làng cũ, người dân thôn Tu Thó, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum sống trong cảnh nơm nớp nỗi lo sạt lở đất, núi lấp nhà. Trước tình hình đó, năm 2021, UBND huyện Tu Mơ Rông đã chi 32 tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư mới rộng 32ha cho 146 hộ dân. Người dân chuyển ra nơi ở mới được cấp 800m2 đất và 25 triệu đồng tiền hỗ trợ di dời nhà và lương thực. Sau di dời, người dân sống an cư.
Anh A Dai (thôn Tu Thó) phấn khởi cho biết: “Ở làng cũ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Nguy hiểm nhất là làng hay bị sạt lở đất nên gia đình ngủ không ngon giấc, cứ lo núi lấp nhà. Còn ở khu tái định cư mới, mọi thứ đều tốt, từ đất đai bằng phẳng đến đường sá, điện đường đầy đủ. Từ khi chuyển về đây ở, gia đình thấy yên tâm hơn, không còn sợ nhà cửa bị vùi lấp. Cuộc sống của tôi giờ đã an cư, sắp tới gia đình sẽ tập trung làm kinh tế để vươn lên làm giàu”, anh A Dai nói. Theo ông A Đe, Chủ tịch UBND xã Tê Xăng, hiện tất cả các hộ dân thôn Tu Thó đều đã di dời ra khu tái định cư mới sinh sống. Nhờ chỗ ở ổn định đã giúp bà con yên tâm phát triển kinh tế, xã hội.
Còn tại xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), dự án di dời 13 hộ dân của xã sống trên núi Cheng Leng (xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) về định cư tại làng Plei Hek (xã Chư A Thai) đã mang lại kết quả tích cực khi tại nơi ở mới, cuộc sống bà con đã an cư. Con cái họ được đến trường, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.
“Những hộ này trước sống ở núi Cheng Leng, cuộc sống gần như biệt lập. Dân cư nơi đây thưa thớt; điện, đường, trường trạm không có, ốm đau tự chữa bệnh, con cái không được đi học. Hiểu được nỗi vất vả này, chính quyền các cấp đã vận động di dời dân. Sau thời gian kiên trì vận động, dân đã đồng ý. Xã đã huy động lực lượng di dời, sửa nhà cho dân, hướng dẫn dân vay vốn làm ăn. Đến nay, đời sống người dân tại nơi ở mới đã tốt hơn, trong đó có 5 hộ đã giảm nghèo”, ông Phùng Trung Toàn, Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, nói.
Lên phương án di dời dân khỏi vùng sạt lở
Theo UBND tỉnh Kon Tum, vừa qua, đơn vị đã chỉ đạo các huyện, thành phố chủ động phân bổ vốn thực hiện các dự án bố trí dân cư nhằm ổn định cuộc sống người dân đang sinh sống trong vùng thiên tai, bão lũ, đặc biệt là các vùng đang bị ảnh hưởng của đợt mưa bão năm 2022 đến các vùng dân cư an toàn. Trường hợp không cân đối được nguồn vốn, UBND tỉnh yêu cầu địa phương tổng hợp các dự án di dân cấp bách vùng thiên tai để đề xuất hỗ trợ từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2022. Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, trên địa bàn huyện, hiện còn khoảng 120 hộ dân đang sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở. Địa phương đã có phương án di dời để trình cơ quan chức năng phê duyệt. Trước mắt, để đảm bảo an toàn, cứ vào mùa mưa bão, huyện sẽ di dời những hộ này đến nơi an toàn.
Sớm xây dựng khu tái định cư huyện Kỳ Sơn
Ngày 14-12, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, huyện đang triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư khẩn cấp cho người dân vùng lũ quét xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén. Theo đó, khu tái định cư được xây dựng ở bản Cầu Tám (xã Tà Cạ) với diện tích 12,9ha, bố trí tái định cư cho 225 hộ dân, dự kiến đến khoảng tháng 6-2023 sẽ hoàn thành.