Năm xưa những người lính bộ đội Cụ Hồ khi hành quân vào Nam đã để lại lời thề, sẽ trở lại Trường Sơn, cùng dân bản xây dựng cuộc sống. Thế hệ những người lính hôm nay của Đoàn Kinh tế quốc phòng 79 (Đoàn 79) thuộc Binh đoàn 15 đã thực hiện lời thề đó ở 3 xã miền núi Lâm Thủy, Ngân Thủy, Kim Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Từ năm 2009 khai hoang vỡ đất đến nay, họ đã biến những nơi này trở thành vùng đất trù phú.
Văn minh lên chốt Trường Sơn
Đến bây giờ người Vân Kiều vẫn ngỡ ngàng trước tiềm lực của Đoàn 79, đã biến nơi quanh năm sốt rét khắc nghiệt, đất đai thiếu chất thành miền đất hứa với bất cứ ai thành tâm sinh sống, làm việc.
Trung tá Lê Vinh Khương, Đoàn trưởng Đoàn 79, một trong những người đầu tiên có mặt từ 9 năm trước, kể: “Hồi đó anh em biệt phái từ Tây Nguyên ra rừng sâu núi thẳm, đi lại vất vả, nước uống khan hiếm, lán trại dã chiến. Nhưng nhìn vào căn nhà, chái bếp, hũ gạo của dân bản thấy đồng bào mình còn nhiều khó khăn. Vậy nên ai nấy đều chung tay làm hết sức mình. Ngày vỡ hoang đất, đêm về suy nghĩ làm sao để nhân dân ở núi rừng Trường Sơn vơi bớt trắc trở”.
Những chính sách căn cơ lần lượt được đưa ra, quy hoạch đất đai cho dân trồng cây công nghiệp. Khảo sát thiết kế đường điện hàng chục tỷ đồng, để lần đầu tiên trong đời, vào năm 2014 anh em Vân Kiều ở sâu trong bản Làng Ho (Kim Thủy) có điện lưới quốc gia.
Ông Bồ Bạch (bản Làng Ho, xã Kim Thủy) nói: “Đoàn 79 đã đưa văn minh lên với đồng bào, điện sáng của quốc gia về tận bản, nghĩa này rất lớn, làm sáng cái đầu cái óc của dân mình nhiều lắm”.
Người vùng Ngân Thủy, Lâm Thủy, Kim Thủy sinh sống đọc quốc lộ 9B thường khám chữa bệnh bằng cúng bái và lá rừng, nhưng mấy năm nay đã được cấp phát thuốc và khám chữa bệnh miễn phí ở trạm xá hiện đại do Đoàn 79 dựng nên. Nhân sự của trạm xá là bác sĩ, y tá được đào tạo bài bản, đặc biệt có phòng chụp X quang, phòng siêu âm mà cơ sở y tế tuyến xã chưa được trang bị. Đã có gần 5.000 lượt người được khám bệnh.
Ông Hồ Vom (bản Đá Còi, xã Ngân Thủy) cho biết: “Đoàn 79 cho dân mình chữa bệnh hiện đại lắm, cả đời mình khám bệnh phải đi xa, dân bản thuê xe cộ tốn kém, nay có trạm xá như bệnh viện thế này, bà con rất yên tâm. Đoàn 79 còn sắm cả xe y tế, mỗi lần có ai đau ốm nặng đi vào Huế hay về Đồng Hới cấp cứu đều được chở đi miễn phí. Nghĩa tình này bà con đâu dễ gì quên”.
Khai mở làm giàu
Ở đội 1 của Đoàn 79, ai cũng nhắc đến vợ chồng Hồ Văn Hơn và Hồ Thị Thiếc, đang có thu nhập tiền triệu mỗi tháng. Trước đây, hai vợ chồng mưu sinh dựa vào núi rừng, không khi nào dư dả tiền bạc.
Hơn bảo: “Từ cuộc sống tự do, thích làm gì thì làm, lúc thì đi suối bắt cá, lúc vào rừng bẫy thú, bắt ong, gùi gỗ... không thích sự chỉ đạo của người khác. Học xong lớp 12, mình được nhận vào làm dân cư đội 1, trồng cao su. Chế độ làm việc lạ hoắc, không biết trồng cây này làm gì, có tác dụng gì, nên rất hoang mang. Khoảng thời gian đó hết sức khó khăn, có lúc muốn về lại bản đi rừng. Nhưng rồi cán bộ dặn phải kiên trì, trồng cây phải theo từng tính cây, theo thời biểu tháng và quý, rồi cả năm, vậy mà thành”.
Bây giờ, Hơn và vợ nhận chăm sóc 9,4ha cao su, vườn cây sinh trưởng tốt, không có sâu bệnh và không bị trâu bò phá hoại. Tổng thu nhập của Hơn luôn cao hơn mức bình quân của đội (trên 5 triệu đồng/tháng). Theo lời cán bộ, vợ chồng Hơn còn tranh thủ trồng 350 cây chuối mật mốc, 37.000 cây dứa, nuôi 7 con bò, gần 100 con gà, vịt, có thu nhập thêm 1,5 triệu đồng/tháng.
“Trước đây làm gì có thu tiền triệu như thế đâu, vào rừng được con gì bán cho lái buôn giá rẻ, nay được làm người của Đoàn 79, sống cùng nhau, làm việc cùng nhau, mới thấy bộ đội đã có lý khi dẫn dắt đồng bào chúng mình”, Hơn nói.
Anh Hồ Lăn, xã Ngân Thủy, kể: “Mình cầm giấy thông báo tuyển dụng, rồi nộp đơn. Trong đầu cứ nghĩ, chắc chỉ có người miền xuôi mới trúng vô khu dân cư Đoàn 79, chứ mình ở rừng núi có biết làm việc tập thể bao giờ. Nhưng bộ đội ưu tiên mình vì mình có sức khỏe, học hết lớp 12”.
Vào làm thời gian đầu, Lăn được dạy cách cầm cuốc để xới luống, cách đào hố, tỉa cành.... Anh kể: “Mình đi bẫy thú, chặt rừng quen lắm, tay cứng thô ráp không thuận làm quy củ. Việc trồng cao su lúc cây còn nhỏ là công việc phải nhẹ nhàng với lá, với cành. Có khi nặng tay quá làm gãy cây, bộ đội không mắng mà ân cần chỉ giúp, mình cố gắng học, cố gắng nhìn, rồi cũng quen dần và thạo việc”.
Anh Lăn được xem là tấm gương cho con em đồng bào Vân Kiều phấn đấu học hỏi bởi đức tính cần cù lao động và ý thức bảo vệ giữ gìn những mầm xanh tươi tốt cho quê hương làng bản.
Nay khấm khá, anh Lăn nói: “Tính chuyện làm giàu cho tương lai nữa, có bộ đội bên cạnh, chắc chắn làm giàu được vì mục đích của bộ đội trở lại Trường Sơn không chỉ là xóa đói giảm nghèo mà còn làm cho dân bản giàu lên, để cùng góp sức bảo vệ biên cương”.
Trung tá Lê Vinh Khương nhấn mạnh: “Người dân 3 xã Lâm Thủy, Ngân Thủy, Kim Thủy cần đường đi, chúng tôi làm đường; cần điện, chúng tôi kéo điện; cần đất sản xuất, thì dự án đã chuyển đất cho chăm sóc cây trồng; cần phương cách lao động hợp lý, bộ đội chỉ bày từng công đoạn chi li, cặn kẽ. Từ Tây Nguyên trở lại vùng miền Tây Lệ Thủy, khu kinh tế quốc phòng Nam Quảng Bình, đã phấn đấu từng ngày, từng giờ để góp phần giúp bà con, phát triển bền vững hơn, thoát nghèo nhiều hơn và ngày càng giàu có hơn. Muốn được điều đó, Đoàn 79 phải cố hết sức hơn nữa, làm nhiều hơn nữa, hy sinh công sức, thời gian nhiều hơn nữa. Nay người dân cần tri thức, chúng tôi nỗ lực không chỉ truyền thụ cho bà con qua các chiến sĩ bộ đội, mà còn đưa con em người Vân Kiều vào học để về trực tiếp hướng dẫn người Vân Kiều có kiến thức tốt hơn, nhiều hơn, vì cùng ngôn ngữ sẽ dễ hiểu hơn”.
Từ năm 2010, hai thanh niên Vân Kiều là Hồ Thị Hoàng và Nguyễn Văn Hơn được cử đi học Đại học Tây Nguyên. Cả hai đã tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp và về phục vụ đồng bào trong đội ngũ của Đoàn 79. Hoàng và Hơn đang trong diện thử thách để chính thức phụ trách lĩnh vực chuyên môn, cố gắng hết mình đưa tri thức về với bà con Vân Kiều.
Hoàng nói: “Tri thức thực tế kết hợp với tri thức chúng em được dạy trong trường đại học sẽ giúp bà con. Rồi mọi người sẽ được học hành nhiều hơn, con em Vân Kiều được tiếp cận tri thức nhiều hơn để làm giàu và phát triển”.
Không chỉ chăm lo trước mắt, mà về lâu dài Đoàn 79 đã đầu tư tại các cụm dân cư vừa hình thành những điểm giữ trẻ giữa đại ngàn để các hộ dân yên tâm gửi con, làm kinh tế. Bà con gặp bất cứ bất trắc nào về thiên tai, đau ốm, dịch bệnh, khó khăn, bộ đội ở Đoàn 79 đều có mặt, cấp phát lương thực, giúp dựng lại nhà, thăm hỏi tận tình với mục tiêu là không để quên bất cứ một ai. Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy Nguyễn Văn Hùng hay cư dân bản địa đều tin tưởng tương lai tại 3 xã trong vùng sẽ trở nên giàu có. Bởi họ có bộ đội trở lại Trường Sơn để giúp dân.
Khái niệm làm giàu đối với bà con Vân Kiều đã được mở ra khi có hướng dẫn của cán bộ Đoàn 79. Hiện có 250 lao động địa phương được giao chăm sóc hơn 1.000ha cao su, với giá trị đầu tư trên 265 tỷ đồng. Trong 9 năm qua, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình theo Đoàn 79 làm giàu trên mảnh đất vỡ hoang ở vùng Trường Sơn.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy phát biểu: “Khi UBND tỉnh mời lãnh đạo Đoàn 79 họp về thay đổi cơ cấu cây trồng lâm nghiệp sau bão số 10, phải có một loại cây cho thu nhập tốt, giảm thiểu ảnh hưởng khốc liệt do cây cao su đổ sau bão, Đoàn 79 đã thành công với thí điểm việc trồng hơn 70ha dứa năng suất cao, có giá bán tốt, khiến người dân ai cũng ưng cái bụng”. Bộ đội Cụ Hồ đã trở lại để giúp dân làm giàu trên chính mảnh đất Trường Sơn hùng vĩ.