Chính vì vậy, thời gian qua đã có nhiều kinh nghiệm được chia sẻ từ các chuyên gia nhằm giúp phụ huynh phân biệt bạo hành với các sự cố thông thường cũng như cách giúp con mình vượt qua sự lo sợ của bạo hành nếu có.
Những dấu hiệu cụ thể
Với việc đi học, phần lớn thời gian trong ngày trẻ không ở trong tầm quan sát của cha mẹ, thậm chí dù trường học có gắn camera giám sát thì phụ huynh cũng không thể lúc nào cũng theo dõi hết được. Bản thân trẻ, nhất là với những trẻ còn quá nhỏ, cũng không thể tự báo lại cho cha mẹ một cách cụ thể, rõ ràng. Cũng vì thế, việc phát hiện, phân biệt bạo hành ở trẻ nhỏ đa số dựa vào các dấu hiệu về thể chất.
Các chuyên gia về chăm sóc trẻ khẳng định, chỉ cần quan sát kỹ bàn tay, chân, cổ, mông, má của trẻ trước và sau khi đón trẻ về là cha mẹ có thể biết được chuyện gì đã diễn ra ở trường. Ví dụ như các vết trầy xước ở trán, cùi chỏ, khuỷu tay, hai bên chân, gót… nhiều khả năng là do trẻ vui đùa với bạn gây ra. Thế nhưng, nếu là các vết trầy ở hai bên mé tai, cổ, gáy, lưng, bẹn, mông, bộ phận sinh dục, bắp đùi… thì nguy cơ bị bạo hành là khá cao vì đây là các vị trí thường hiếm khi bị tổn thương một cách vô tình.
Có một điểm đặc biệt khi quan sát về thể chất là với những trẻ còn quá nhỏ, khoảng trên dưới một tuổi, cha mẹ cần phải chú ý đến các triệu chứng của Hội chứng xảy ra với trẻ khi bị rung lắc mạnh (Shaken Baby Syndrome - SBS). Đây là hội chứng xảy khi trẻ bị người chăm sóc lắc mạnh cơ thể một cách hung bạo như vừa lắc mạnh vừa quát mắng, quăng quật mạnh hay thậm chí tung lên xuống nhiều lần… Khi đầu của trẻ bị lắc mạnh, bộ não sẽ va đập với xương sọ và có thể gây nên những bầm tím, sưng tấy, tạo áp lực hay thậm chí là chảy máu trong não bộ.
Ảnh hưởng thường gặp của hội chứng SBS là làm tổn thương, chảy máu võng mạc - một lớp mô thần kinh vô cùng nhạy cảm của mắt, có vai trò chuyển hóa năng lượng ánh sáng thành thông tin hình ảnh gửi về não bộ. Về mặt tâm lý, trẻ bị bạo hành dạng này sẽ dễ trở nên đặc biệt cáu kỉnh, hay nôn trớ, biếng ăn hoặc gặp trở ngại trong ăn uống, bơ phờ (mệt mỏi, ít vận động, thường không tỉnh táo), da xanh tái…
Trường hợp với những trẻ lớn hơn, các chuyên gia cho rằng việc đánh giá về thể chất không còn hoàn toàn phù hợp bởi lúc này, ngoài thể chất, các bé còn có thể bị bạo hành về tinh thần như qua các câu nói, hành động. Khi đó, việc đặt câu hỏi kiểu “hôm nay con đi học thế nào?”, “thầy cô có làm gì con không?”… được khuyến cáo là dễ gây phản ứng ngược ở trẻ. Bởi hành động bạo hành nếu có thì thường đi kèm với các cảnh báo, hăm dọa không cho nói với phụ huynh. Và khi bị cha mẹ ép hỏi, trẻ sẽ trở nên hoảng loạn, lo sợ do bị kẹp giữa cha mẹ và thầy cô đồng thời có khuynh hướng co mình lại, che giấu sự thật.
Lời khuyên được chia sẻ nhiều trong những trường hợp này là nên tạo sự thoải mái tối đa cho con, ví như lái câu chuyện qua hướng khác theo kiểu “ngày xưa cha mẹ đi học được cô cho ăn kẹo, học hát, đi chơi…”, trẻ sẽ dễ dàng kể về lớp học của nó để so sánh với cha mẹ. Một “độc chiêu” khác hiệu quả là rủ con chơi trò “đóng vai”. Cha, mẹ làm học sinh, con là cô giáo và với thói quen bắt chước của tuổi nhỏ, trẻ sẽ tái hiện lại chính xác những gì cô đã làm ở trường lớp.
Tình yêu thương giúp trẻ chữa lành
Theo Trung tâm Tư vấn và Chăm sóc rối nhiễu tâm trí - Trung ương Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, bạo hành trẻ em không chỉ là những hậu quả nặng nề về sức khỏe thể chất, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của trẻ kéo theo nhiều hệ lụy tâm lý. Tất cả những hành động như đánh đập, vùi dập, khủng bố, làm nhục… đều khiến đứa trẻ thiếu tự tin, rụt rè, luôn trong trạng thái thảng thốt. Khi bị bạo hành thường xuyên sẽ khiến trẻ có những rối loạn hành vi và ứng xử.
BS Đinh Hữu Uân, Bệnh viện tâm thần Trung ương, cho biết: “Trẻ em là nạn nhân của bạo hành có thể gặp những rắc rối về tâm lý kéo dài. Trẻ sẽ sợ hãi khi gặp người lớn tuổi, cô giáo, bảo mẫu hoặc gặp phải hoàn cảnh xuất phát từ vấn đề tương tự mà trẻ đã trải qua. Trẻ bị bạo hành thường có những biểu hiện sợ đi học, sợ đến trường, sợ gặp người lớn, ngại giao tiếp… dẫn đến rối loạn lo âu và nặng hơn là bị trầm cảm”.
Để giúp trẻ vượt qua những vấn đề này, theo TS.BS Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng viện Sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai, phân tích: “Trẻ bị bạo hành thường sợ hãi, thu mình lại, kém tự tin, ngại giao tiếp, về lâu dài có thể sẽ có những phản kháng bất lợi như: Có hành vi thô lỗ, cục cằn, dễ nổi nóng, dễ xung đột với người khác... Những trường hợp này cần phải có môi trường trong lành để điều trị trong thời gian dài, trẻ mới có thể quay lại như bình thường”.
Để có môi trường trong lành đó, việc đầu tiên là phải tách trẻ khỏi tình huống, sự kiện gây khủng hoảng càng sớm càng tốt. Người nhà, bè bạn, thầy cô, xã hội cần tránh nhắc lại hay vô tình “làm mới” ký ức đau buồn của trẻ, tránh ruồng bỏ, khinh thường trẻ. Người lớn, đặc biệt là người được trẻ tin yêu, luôn ở bên trẻ sau khi xảy ra khủng hoảng để giúp trẻ cảm thấy không bơ vơ, đơn độc đối phó với sang chấn. Cố gắng giúp trẻ duy trì nề nếp sinh hoạt hàng ngày như trước. Tạo điều kiện đưa trẻ đi du lịch, giải trí, nghe nhạc vui tươi, tập thể dục thích hợp, giúp trẻ giảm dần nỗi sợ hãi.
Cát hay là ngọc là cuốn sách do NXB Phụ Nữ xuất bản kể về câu chuyện của cô bé Sandy (Bích Ngọc) mang trong mình vết thương tâm hồn rất lớn do bị bạo hành từ nhỏ. Cuốn sách gần như là một dạng tự truyện của chính tác giả, miêu tả những nỗi đau của quá khứ và cả những yêu thương đã giúp từ một cô bé nhút nhát, luôn sợ hãi xung quanh trở thành một người phụ nữ thành công trong cuộc sống và quay trở lại giúp đỡ những đứa trẻ bị bạo hành tìm lại cuộc sống bình thường. |