Trước đây, khi đưa con đến trường học, các bậc cha mẹ luôn cảm thấy an tâm vì nơi đây là môi trường an toàn nhất, nhân văn nhất. Thế nhưng, những năm gần đây, bạo lực học đường đang len lỏi và bùng phát thành cơn bão đen có sức tàn phá không nhỏ. Nó không chỉ âm ỉ tước đi niềm vui đến trường mà còn tạo ra nỗi sợ hãi bị bắt nạt, bị đe dọa đến tính mạng của nhiều học sinh. Thậm chí có những đứa trẻ âm thầm chịu đựng sự bắt nạt của nhiều “đại ca, thủ lĩnh áo trắng” như phải tuân phục, nộp tiền, chép bài hộ, làm những điều trái đạo lý… Và nếu không nghe theo lời những “đại ca” này thì sẽ bị đe dọa, bị tẩy chay, bị ăn đòn. Rồi có ngày những ông bố, bà mẹ giật mình, không thể tin được rằng con mình trở thành nạn nhân bị bắt nạt dài ngày, bị bạo hành dã man.
Có thể nói nạn bắt nạt, bạo lực học đường diễn ra ở khắp mọi nơi, kể cả những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, và luôn trở thành nỗi lo chung của các bậc cha mẹ. Vì thế, để giúp học sinh các cấp học tự bảo vệ trước bóng đen bạo lực có nguy cơ lan rộng và nhiều rủi ro tiềm ẩn thiếu an toàn ở trường học, các bậc cha mẹ phải chủ động trang bị kiến thức, chỉ cho con mình biết cách phòng vệ chính đáng. Sự hiểu biết và tự tin của con cái sẽ giúp chúng tránh xa cái ác và khi trở thành nạn nhân sẽ biết cách ứng phó hoặc tìm sự trợ giúp từ nhà trường, cha mẹ. Chỉ có cha mẹ mới tạo cho con mình phản xạ tự vệ, kháng thể chống bạo lực và nạn bắt nạt dưới hình thức tốt nhất. Những cử chỉ quan tâm, lời hỏi han kịp thời khi thấy con mình có dấu hiệu bất thường như sợ sệt, trên người có dấu bầm, vết thương hoặc bỏ ăn, ngủ li bì, không muốn giao tiếp… sẽ giúp con dám bộc lộ sự thật mình đang bị bạo hành. Đừng để con bơ vơ, chịu đựng nỗi đau một mình vì sang chấn tâm lý từ bạo hành nơi học đường sẽ ám ảnh và khó chữa lành. Như thế, thay vì bắt con học hành quá nhiều, cha mẹ hãy giúp con trang bị kỹ năng sống, đối phó những rủi ro, xung đột xảy ra ở khắp mọi nơi. Khi có kỹ năng sống tốt thì trẻ sẽ tự tin giải quyết những vấn đề phát sinh trong học tập, biến động trong đời sống. Đừng phó mặc mọi chuyện cho nhà trường, bởi lẽ, chỉ có cha mẹ, người thân mới hiểu rõ con mình. Để xảy ra những chuyện đau lòng và con mình trở thành nạn nhân của bạo lực thì lỗi đầu tiên thuộc về cha mẹ, người lớn.
Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy