Cho con niềm tin để sống với đam mê
Mới đây, trong khoảnh khắc lắng đọng, dạt dào cảm xúc của buổi lễ tri ân - trưởng thành, nhiều học sinh lớp 12 sắp tốt nghiệp, rời xa mái trường thân yêu, đã bày tỏ lòng tri ân đến thầy cô, cha mẹ. Những lời nói nghẹn ngào, những lời tri ân đứt quãng của những cô cậu học trò đã trưởng thành khiến không ít thầy cô, cha mẹ rưng rưng nước mắt. Bạn Nguyễn Khánh Hân, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du quận 10 TPHCM, chia sẻ rằng: “Điều quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng em không phải là đậu đại học, cao đẳng mà cần có niềm tin - chìa khóa của thành công. Và thầy cô, cha mẹ đã cho chúng em niềm tin để dấn thân vào đam mê, sống có ích”.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du, bày tỏ những ước mơ giản dị của mình trong lễ tri ân, trưởng thành tuổi 18.
Khi bộc bạch về ước mơ tương lai, nhiều em không chỉ tri ân thầy cô đã chắp đôi cánh tri thức cho mình, mà còn cám ơn các bậc sinh thành đã luôn đồng hành với đam mê, thắp sáng ước mơ nghề nghiệp của con cái. Em Nguyễn Văn Thành, học sinh lớp 12 cũng của Trường THPT Nguyễn Du, ước mơ trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và được cha mẹ ủng hộ. Chia sẻ điều hạnh phúc này, em đã dành lời cảm ơn đến mẹ mình và hy vọng ước mơ của mình sẽ được chắp cánh bay cao, bay xa.
Em Phạm Hoàng Khanh thì ấp ủ khát vọng sẽ làm được gì đó để thay đổi cuộc sống, góp sức xây dựng đất nước giàu đẹp hơn. Và khi đã thành công, em có ước mơ giản dị mà nhân văn là sẽ dang tay giúp đỡ trẻ em nghèo ở vùng sâu vùng xa. Tương tự, Bảo Trân cũng ấp ủ giấc mơ trở thành dược sĩ giỏi để góp phần nghiên cứu, điều chế thuốc chữa trị cho trẻ em nghèo.
Và còn nữa những giấc mơ giản dị nhưng lan tỏa tính nhân văn, sự tử tế mà các em đang đeo đuổi, dấn thân khi rời xa mái trường, vòng tay ấm áp của cha mẹ. Nói như các thầy cô, chỉ cần có ước mơ đẹp, nhân văn thì các em sẽ vững tin bước vào đời.
Khi giấc mơ bị đánh cắp
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, tâm lý, một bộ phận giới trẻ thời nay sống mờ nhạt, không có ước mơ, khát vọng. Vì không có phương hướng, thiếu niềm tin nên họ thả đời mình trên những con thuyền, mặc nó đưa đẩy theo con nước chứ không tự chèo lái, đối mặt với thử thách vượt thác. Thực trạng này cũng xuất phát từ việc nuôi dạy con mang tính áp đặt, thiếu lắng nghe, thấu hiểu của một số phụ huynh. Họ không biết cách nhen nhóm, tiếp sức nuôi dưỡng ước mơ theo sở trường của con cái. Ngay từ nhỏ, trẻ em nào cũng có giấc mơ, khát khao lớn lên làm nghề này, ngành nọ nhưng nhiều em đã bị cha mẹ vô tình dập tắt. Việc “đánh cắp giấc mơ” của con trẻ sẽ làm thui chột động lực, niềm tin.
Một chuyên gia kể rằng, có một cậu bé rất nghịch ngợm, hiếu động. Trong giờ làm văn, cô giáo ra đề bài “hãy tả về giấc mơ của em sau này”. Về nhà, viết xong bài văn, cậu nói với bố rằng: “Sau này con muốn làm thủ tướng”. Bố cậu dội ngay một gáo nước lạnh: “Nghịch ngợm như mày làm thủ tướng gì…”. Tương tự, một nhà văn cũng kể lại nỗi khổ tâm bị mẹ dập tắt ước mơ thời còn nhỏ. Chị mê truyện, ham đọc sách và nhiều khi quên hết mọi việc. Vì hay mộng mơ, lãng mạn và nói sau này trở thành nhà văn, chị không chỉ bị mẹ mắng mỏ mà còn trù dập: “Mày lớn lên làm được việc gì…”.
Ngay trong chuyện chọn ngành chọn nghề trước mùa thi đại học, nhiều học sinh đã bị tước quyền chọn ngành nghề mình yêu thích. Phần đông cha mẹ vẫn thích con cái đi theo ngành nghề truyền thống như bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo…, còn mơ làm những ngành nghề hơi khác lạ như ảo thuật gia, bác sĩ thú y hoặc giải phẫu tử thi, khảo cổ học… thì lập tức bị phản đối, ngăn cản. Vì học thay cho cha mẹ, sống với ước mơ của người lớn, nhiều học sinh, sinh viên đã mang những “đôi giày không vừa chân” và bước đi không thể vững vàng. Thậm chí, có không ít người trẻ đã bị trầm cảm, quẫn trí vì bị cha mẹ áp đặt và không được bay bổng với giấc mơ của riêng mình.
Giấc mơ của tuổi thơ, của học trò vô cùng phong phú, đa dạng, thậm chí viển vông, xa vời. Thế nhưng, nếu thiếu gia vị của những giấc mơ và sức hút của đam mê cháy bỏng được làm điều mình thích thì các em không thể trưởng thành. Vì thế, cha mẹ hãy đồng hành, chắp cánh ước mơ cho con cái và đừng dập tắt nó ngay từ khi nhen nhóm. Trên thực tế đã đang có hàng ngàn giấc mơ đang được học trò, giới trẻ vun đắp và nó đã trở thành hiện thực khi được thầy cô, cha mẹ đồng hành, thắp sáng. Từ bệ phóng này, nhiều người đã trưởng thành, tỏa sáng thành công ở nhiều lĩnh vực ngành nghề.