Khi trẻ bị tẩy chay
Con trai chị Uyên tên Đạt, năm nay lên lớp 5. Dù đã được ba mẹ làm công tác tư tưởng nhiều nhưng trong Đạt vẫn có những e ngại với trường, với lớp. Theo chị Uyên, Đạt tuy to cao nhưng lực học đuối hơn các bạn. Bởi vậy mà cả năm học lớp 4, Đạt hay bị bắt nạt.
Giờ ra chơi, Đạt thường bị các bạn đẩy qua, đẩy lại như trái banh, hoặc trêu chọc bằng nhiều trò tinh quái. “Chủ quan nhà gần trường nên hiếm khi tôi đưa đón cháu đi học, mẹ con cũng ít tâm sự với nhau. Khi thấy con lầm lũi bước đi thật nhanh trước lời chọc ghẹo của bạn bè, tôi như chết lặng. Có lẽ con tôi đã rất cô đơn ở trường học mà vợ chồng tôi không hay biết”, chị Uyên tâm sự.
Trong khi đó, bé Hoài An, 12 tuổi (ngụ chung cư An Khánh, quận 2 TPHCM) lại là nạn nhân của trò bắt nạt mà nguyên nhân từ chính gia đình. Vợ chồng chị Lê Minh Nga (ba mẹ An) thường xuyên la mắng con cái, dù chị em An đều đã lớn, lại có nhiều bạn học ở cùng chung cư. Vì vậy, việc An bị cha mẹ la mắng luôn là đề tài hấp dẫn để đám bạn cùng lớp bàn tán, trêu chọc.
Chuyện con trẻ bị bắt nạt ngày càng phổ biến, xảy ra với nhiều hình thức và ở nhiều lứa tuổi học trò. Nguyên nhân đôi khi “chỉ có trời mới hiểu”, có thể là nhìn không ưng mắt, nói không dễ nghe, thậm chí là học giỏi, xinh xắn hơn… cũng khiến ai đó trở thành nạn nhân của trò bắt nạt.
Nếu nhẹ có thể chỉ là những lời trêu chọc, đùa cợt, tẩy chay, còn nặng có thể bị đánh hội đồng ngay trong lớp học hoặc ở ngoài trường học. Minh chứng là hàng loạt những vụ bắt nạt xảy ra mà nhân vật chính còn mặc nguyên bộ đồng phục trên người, được quay và tung lên mạng xã hội, để lại những cú sốc không nhỏ cho mọi người.
Vun trồng cho tâm hồn trẻ
Hầu hết nạn nhân của các vụ bắt nạt phải trải qua tuổi học trò không mấy vui vẻ, bị tổn thương cả về thể chất và tâm hồn. Cũng bởi vậy mà không ít trẻ rơi vào trầm cảm, vì không biết tâm sự cùng ai, dẫn đến sợ trường, sợ lớp, học tập sa sút.
Hậu quả của bắt nạt không chỉ dừng lại ở những tổn thương trước mắt, mà cả trẻ bắt nạt và trẻ bị bắt nạt cũng sẽ có những lệch lạc trong suy nghĩ, nhân cách. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh lại lúng túng trong việc kéo con mình ra khỏi trò bắt nạt.
Sau khi phát hiện Đạt bị bạn bè bắt nạt, gia đình chị Uyên đã trải qua một khoảng thời gian vô cùng khó khăn. “Tôi đã la mắng con quá nhút nhát, nhưng khi đặt mình vào địa vị của con thì mới hiểu, phản kháng là một thách thức không dễ gì làm được, nhất là khi con tôi chỉ có một mình. Vợ chồng tôi đã phải tranh luận rất nhiều để có phương án kéo con ra khỏi thói bắt nạt ở trường”, chị Uyên tâm sự.
Ngoài trao đổi với cô giáo chủ nhiệm mới về sự việc, gặp phụ huynh của các bạn chung lớp, tâm sự riêng để nhờ họ nhắc nhở con em mình tế nhị hơn khi chơi với bạn, vợ chồng chị cũng quan tâm hơn đến con và thường xuyên tán thưởng điểm mạnh của Đạt.
Mùa hè vừa rồi, chị Uyên cho con tham gia một số khóa học kỹ năng mềm, các lớp năng khiếu, đặc biệt là vẽ - môn mà Đạt yêu thích để phát huy điểm mạnh. Từ đó, Đạt phần nào tự tin hơn về bản thân.
Để giữ được bình tĩnh như chị Uyên không dễ, nhiều phụ huynh khi biết con mình bị bắt nạt, vì xót con mà vội tìm đến những “kẻ bắt nạt” để răn đe theo cách riêng. Có phụ huynh động chân động tay với bạn của con để “dằn mặt”, có phụ huynh làm ầm lên, yêu cầu nhà trường phải “đòi lại công bằng” cho con mình.
Song, những cách bảo vệ ấy có thể giúp con em mình tránh được những lời trêu chọc, những vụ hù dọa hội đồng, nhưng chưa hẳn đã giúp con trẻ hòa đồng được với bạn bè, trường lớp, thậm chí còn đẩy chúng xa nhau hơn nữa.
Như vợ chồng chị Nga, vì cá tính nóng nảy nên khi nghe con mình bị bắt nạt đã sang nhà hàng xóm để mắng vốn. Dĩ nhiên, những lời trêu chọc con chị ở lớp sẽ vơi đi, nhưng bé An vẫn bị tẩy chay một cách lặng lẽ. “Thà các bạn cứ trêu chọc con công khai còn hơn thì thầm sau lưng con như vậy”, Hoài An tâm sự.
Làm gì với con trong trường hợp này, có lẽ rất nhiều phụ huynh đau đầu, nhưng phải chăng, trước hết cần xem lại cách bản thân quan tâm, cư xử với con đến đâu. Rèn giũa cho con trẻ tính tự lập, bản lĩnh là điều cần thiết.
Quan trọng nhất là phụ huynh gần gũi, thường xuyên chia sẻ với con, từ đó tìm ra những điểm mạnh của con em mình để động viên con phát huy. Điều ấy sẽ giúp trẻ tự tin ngay trong tâm hồn. Có như vậy trẻ mới không rụt rè, nhút nhát và hòa đồng hơn với bạn bè.