Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam qua các năm 2018-2020 lần lượt là 1.164 tấn, 1.849 tấn và hơn 1.000 tấn. Thế nhưng chỉ trong quý 1-2021, số lượng cá tầm Trung Quốc nhập về qua 2 cửa khẩu quốc tế là Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Kim Thành (Lào Cai) đã ngang bằng con số của năm 2020. Đáng lưu ý, thời gian này chính là giai đoạn mà Chính phủ cùng nhiều bộ, ngành rốt ráo siết chặt lại việc nhập khẩu cá tầm trong bối cảnh có tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay nhập khẩu những loài cá không nằm trong danh mục cho phép.
Trước tình hình cá tầm nhập khẩu như trên, cuối năm 2020, các hiệp hội và doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) trong nước đã kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý đối với cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc dưới mọi hình thức. Đồng thời kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp nhập khẩu cá tầm dùng làm thực phẩm không nằm trong danh mục được phép kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong nước. Sau đó, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với 2 địa phương thu mẫu cá tầm thương phẩm tại chợ Yên Sở (TP Hà Nội) và chợ Bình Điền (TPHCM). Kết quả có đến 8/11 mẫu được xác định hình thái không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 26/2019 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Cá tầm thuộc Phụ lục II Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), được cơ quan CITES Việt Nam và các cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc. Tuy nhiên, hiện nay có một số loài cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm lưu thông trên thị trường chưa rõ nguồn gốc, không thực hiện kiểm dịch nên có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và hoạt động sản xuất cá tầm tại Việt Nam.
Để giúp cá tầm trong nước “vượt cạn”, Bộ NN-PTNT cần phối hợp với Bộ Công an, các địa phương kiểm tra cơ sở kinh doanh cá tầm làm thực phẩm; xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh cá tầm làm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Lực lượng hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm cần kiểm soát chặt hơn việc nhập khẩu cá tầm; quản lý thị trường tăng cường kiểm tra việc lưu thông, vận chuyển, kinh doanh cá tầm trên thị trường nhằm ngăn chặn tình trạng trà trộn cá tầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hành vi gian lận thương mại... để bảo vệ hiệu quả quyền lợi người nuôi và người tiêu dùng trong nước.