Cái thuở tôi còn là sinh viên Luật Khoa thì tòa nhà Imexco ở đường Nguyễn Huệ mới xây dựng và ngay tức khắc trở thành một biểu trưng cho Sài Gòn hiện đại. Thế mà, bây giờ Sài Gòn của tôi cơ man là những tòa cao ốc lớn hơn nó hàng chục lần.
Nhịp sống hối hả hơn. Những cửa hàng thức ăn nhanh hamburger như KFC, Lotteria…, những quán cà phê hiện đại nhan nhản khắp đường phố, và lúc nào cũng đông nghẹt lớp trẻ. Ở đó, bớt rồi cảnh những “ông cụ non” trầm tư, giết thời gian bên ly cà phê đắng, mà là từng nhóm “cư dân mạng” với chiếc laptop bấm… bấm, bíp… bíp… nối với thế giới, bàn chuyện làm ăn thời… WTO. Thế hệ doanh nhân trẻ 7X, 8X đã ra đời, cùng con thuyền đất nước hội nhập vào biển lớn.
**
WTO và hội nhập - đã có quá nhiều ngôn từ để đề cập đến một trạng thái mới của Việt Nam. Bên cạnh những “hồ hởi”, không phải không có những ưu tư.
Tôi chợt nhớ câu nói ví von của TS Phan Xuân Biên trong một lần trò chuyện cùng ông: “Ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”. Thế đấy, chúng ta đang đưa con thuyền nước nhà ra biển lớn, mà biển lớn thì sóng to.
Trong xu hướng đó, tất yếu anh nào vào cuộc chơi với sự thông minh, chủ động, rõ ràng phần được của anh sẽ nhiều hơn. Còn, nếu anh bị động, kém cỏi, anh sẽ mất nhiều. Nếu không chơi, chả được gì cả!
– Với ông, điều quan trọng nhất cần trang bị khi “đưa thuyền ra biển lớn”?
– Là con người, là nguồn nhân lực. Trong quá trình đó, rõ ràng tuổi trẻ đóng vai trò quan trọng. Chúng ta nói tuổi trẻ là nói đến tương lai.
– Tuổi trẻ trong con mắt của ông?
– Phải là người có nhân cách, bản lĩnh, trí tuệ, ý chí…
– Sao ông lại chọn nhân cách đứng đầu?
– Đấy là nền tảng cho một xã hội phát triển bền vững. Hơn nữa, chúng ta sẽ trông cậy được gì ở một người khiếm khuyết nhân cách?
Ông Biên, khi đứng ở góc độ nhà nghiên cứu xã hội học, vẫn dí dỏm: Làm gì thì làm, hội nhập gì thì người Việt Nam phải giữ cái gốc. “I love you” không thể thay thế cho “Anh yêu em” được. Người mình khi nói “Anh yêu em” là nói rất thực lòng, dũng cảm…lơ mơ là ăn tát! Còn “I love you”, có thể nói văng mạng, bất cứ lúc nào.
Hình như có mẫu số chung trong quan điểm của những người quan tâm đến việc tạo dựng nền tảng nhân cách cho thế hệ trẻ thời hội nhập. Bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng đặt vấn đề: Cuối cùng thì chìa khóa, sợi chỉ đỏ, hay động lực để thực hiện những mong muốn của dân tộc ta chính là lòng tự trọng và tự hào dân tộc.
Còn TS Huỳnh Văn Sơn thì khắc khoải: Lo làm sao khi đất nước liên tục tăng trưởng về mặt kinh tế, nhưng chất lượng giáo dục thì tỷ lệ nghịch. Buồn làm sao khi mức sống xét trên bình diện vật chất tăng vọt, nhưng chất lượng sống của nhiều gia đình tụt hậu đáng kể khi con cái vướng vào tệ nạn.
***
Tôi hôm nay, sống với một Sài Gòn đang vươn lên theo những tầng cao mới. Tóc cũng đã bắt đầu pha màu sương muối của thời gian.Thế hệ chúng tôi giờ đang lùi dần vào dĩ vãng, nhường bước cho thế hệ tuổi trẻ của con.
Đứa con trai đang làm nghiên cứu sinh tại Pháp, trong dịp hè về thăm lại Sài Gòn thì thầm: “Má ơi, các bạn cũ của con ra trường bây giờ chiếm lĩnh gần hết những tòa cao ốc trong thành phố. Sáng, cổ cồn - cà vạt - complet vào làm việc tại những văn phòng ngất ngưởng trên cao, trưa cơm văn phòng máy lạnh, chiều tan sở đi học… nhảy đầm”. Còn cô con gái nhỏ mới 9 tuổi đầu của tôi đã nghiêm chỉnh nói: “Má! con nít bây giờ có quyền có chính kiến chứ, má phải nghe con nói?” - khi tôi gạt bỏ một ý kiến của con bé!
Khác lắm, cái cách nhìn cuộc đời của thế hệ trẻ hôm nay, thế hệ trẻ đang sống trong những ngày đất nước vươn ra biển lớn, hòa nhập cùng cộng đồng thế giới, hôm nay các em có cái nhìn thực tế hơn, năng động hơn, mang những ước mơ làm giàu và cả hưởng thụ. Đó là biện chứng của cuộc sống.
Vấn đề là người lớn chúng ta sẽ làm gì, để giúp tuổi trẻ hôm nay có đủ bản lĩnh trước những tác động của “sóng to, gió lớn” khi con thuyền đất nước giương buồm ra khơi…
MAI LAN