Ông Takaaki Hirotsu, Chủ tịch Hirotsu Bio Science - công ty thực hiện các thí nghiệm với tuyến trùng - cho biết, phương pháp này dựa trên phản ứng vận động của tuyến trùng (giun tròn dài khoảng 1mm) đối với loại kích thích hóa học. Theo đó, giun sẽ di chuyển đến chỗ có mùi mà chúng thích và ngược lại, chúng sẽ chui ra khỏi vùng có mùi mà chúng không thích. “Chỉ cần dựa vào việc con giun có đến gần nước tiểu của bệnh nhân hay không, chúng tôi có thể xác định liệu người bệnh có bị ung thư hay không”, ông Takaaki Hirotsu nói.
Xuất phát điểm để các nhà khoa học phát triển phương pháp này là việc sử dụng khứu giác của chó để phát hiện ung thư. Những phương pháp nghiên cứu và thực hành huấn luyện như vậy được sử dụng ở Nhật Bản: loài chó sẽ học cách phân biệt người khỏe mạnh với người bị ung thư bằng khứu giác thông qua mùi.
Nếu chó có thể phân biệt người mắc bệnh ung thư với người khỏe mạnh thì loài tuyến trùng có khứu giác tốt hơn 1,5 lần so với chó sẽ hoàn toàn có thể cảm nhận và phân biệt được mùi “tinh tế, cực kỳ khó nắm bắt” ngay cả đối với thiết bị công nghệ hiện đại, giúp phân biệt người bệnh với những trường hợp khỏe mạnh.
Trong quá trình nghiên cứu, tuyến trùng tập trung trong mẫu nước tiểu của người bị ung thư, mà không hề “tỏ ra hứng thú” với nước tiểu của người khỏe mạnh.
Theo phương pháp này, 15 loại ung thư đã có thể được xác định. Độ chính xác của việc xác định ung thư theo nghiên cứu này tại thời điểm tháng 9-2019 là 86,8%. Hơn nữa, có thể chẩn đoán ngay từ giai đoạn đầu của bệnh với độ chính xác của quá trình xác định gần như không thay đổi, vào khoảng 85%.