Vụ việc diễn ra vài ngày sau khi những người biểu tình xông vào nhà riêng, dinh tổng thống và văn phòng thủ tướng để phản đối cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài 3 tháng, gây ra tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu trầm trọng.
Trước đó, ông Rajapaksa đã đồng ý từ chức dưới áp lực từ người biểu tình. Theo kế hoạch, Quốc hội Sri Lanka sẽ bầu chọn tổng thống mới vào ngày 20-7, nhưng vẫn đang chật vật quyết định thành lập chính phủ mới để đưa đất nước phá sản thoát khỏi sự sụp đổ về kinh tế và chính trị. Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cũng thông báo sẽ rời đi khi có chính phủ mới.
Sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rời khỏi đất nước, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardena cho biết vẫn chưa nhận được đơn từ chức của ông. Theo thông tin trước, đơn xin từ chức đã được Tổng thống Rajapaksa ký vào ngày 11-7 và được chuyển cho một quan chức chính phủ cấp cao, dự kiến được đệ trình lên Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena để công bố vào ngày 13-7, kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông Rajapaksa.
Giới quan sát cho rằng tình trạng hỗn loạn chính trị hiện nay có thể làm phức tạp hơn nữa nỗ lực nhằm giúp quốc gia Nam Á thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 70 năm qua, xuất phát từ tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng khiến Sri Lanka không thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thực phẩm và dược phẩm. Lạm phát ở Sri Lanka đã ở mức cao kỷ lục 54,6% trong tháng 6 và dự kiến sẽ tăng lên 70% trong những tháng tới.