Giữ vững pháo đài chống dịch

Trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, những ngày qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục có những chuyến di chuyển bằng đường bộ, những chuyến bay ngày, bay đêm, ăn cơm hộp để đến các tỉnh thành đang là điểm nóng bùng phát dịch, lao vào những “vùng đỏ”, “vùng cam” trực tiếp thị sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch.

Tại các điểm thị sát, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp từng lãnh đạo địa phương, thăm hỏi từng người dân, động viên từng chiến sĩ, bác sĩ... Thủ tướng ghi nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, hiệp hội, các tổ chức tôn giáo, hội đồng hương…

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao sự thông cảm, chia sẻ, chấp hành vào cuộc, hưởng ứng, tham gia tích cực, hiệu quả của các tầng lớp nhân dân, nhất là các lực lượng tình nguyện. Yêu cầu ở cơ sở được Thủ tướng nhắc đi nhắc lại trong tất cả các chuyến đi này. Ông nhấn mạnh, phải hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm trọng tâm, “mỗi xã, phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ” trong trận chiến với dịch Covid-19.

Từ thực tế ở cơ sở, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với 1.060 xã, phường thuộc 20 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội vào sáng 29-8, Thủ tướng cho rằng, khi lấy xã phường làm “pháo đài” chống dịch thì phải chỉ đạo thông suốt tới tận nơi. Ông phân tích, mọi hoạt động y tế, an sinh xã hội, an ninh trật tự đều trong địa bàn xã, phường. Công tác vận động, hướng dẫn nhân dân, phối hợp các lực lượng tham gia phòng dịch cũng tập trung tại xã, phường... Vì vậy, cấp ủy phải lãnh đạo, chính quyền phải tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phải vào cuộc ngay tại xã, phường; cấp xã phường phải điều phối, điều hành các lực lượng tăng cường, hỗ trợ. 

Thủ tướng chỉ ra 9 nhiệm vụ cụ thể mà lãnh đạo, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể cần tập trung thực hiện. Đó là: Kêu gọi người dân tham gia triển khai tích cực, hiệu quả công tác phòng chống dịch tại địa phương, thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội; chuẩn bị, cung cấp các gói an sinh xã hội, nhất là tại các nơi đang thực hiện tăng cường giãn cách, tập trung đối với người thiếu lương thực, thực phẩm, người lang thang, cơ nhỡ; bảo đảm tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn; bảo đảm người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, nhiều nhất có thể; thu dung, phân loại chăm sóc, điều trị người bệnh ngay từ cơ sở tại các trạm y tế lưu động; tổ chức xét nghiệm thần tốc và rút ngắn chu kỳ xét nghiệm, tiêm vaccine ngay tại xã, phường trong thời gian giãn cách; kiểm soát tốt việc di chuyển của người dân; tăng cường vận động, thuyết phục để người dân thực hiện tốt giãn cách, tự bảo vệ sức khỏe bản thân; tổ chức tốt tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; có các kịch bản phòng chống dịch tại địa bàn cao hơn, sớm hơn, trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, điều hành và điều phối lực lượng hỗ trợ trên địa bàn. 

Dịch Covid-19 đã làm hàng chục ngàn gia đình đẫm nước mắt, hàng trăm ngàn người đang lâm cảnh thiếu thốn, vật vã. Những chuyến “vi hành” kiểm tra sự sẵn sàng của hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc phục vụ người dân của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền đi những thông điệp tích cực. Hình ảnh ông với chiếc áo đẫm mồ hôi đến với người dân ở các “vùng đỏ”, “vùng cam” vất vả phòng chống dịch như tiếp thêm sức mạnh và niềm tin chiến thắng đại dịch. Hướng về cơ sở, không để một ai bị bỏ sót, không chỉ là yêu cầu của vị Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, mà còn là mạnh lệnh của cuộc sống. 

Tin cùng chuyên mục