Dịch Covid-19 từng bước được khống chế, cuộc sống trở lại bình thường, nhưng những người thầy thuốc vẫn không hề có được giây phút thảnh thơi, ngơi nghỉ. Áp lực công việc và cả dư luận xã hội tiếp tục đè nặng lên đôi vai và suy nghĩ của từng y, bác sĩ. Vượt qua tất cả, họ vẫn quyết bám trụ, đến những nơi khó khăn nhất, đương đầu với thử thách khắc nghiệt để chữa bệnh cứu người.
Để tuổi trẻ không trôi qua vô ích
Là người tiên phong nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM), bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Chiến và Hoàng Thị Phượng, từng công tác tại Bệnh viện Nhân Ái (BV điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS thuộc Sở Y tế TPHCM, đóng trên địa bàn tỉnh Bình Phước) bộc bạch, chúng tôi muốn đóng góp tuổi trẻ, nhiệt huyết, kỹ năng của mình chăm sóc sức khỏe cho bà con và cũng để rèn giũa bản thân mình.
Hơn 2 tháng ở đảo, lúc đầu cả hai khá bỡ ngỡ vì biệt lập với đất liền, nhưng chính sự bình yên, tình cảm nồng hậu của người dân nơi đây đã tiếp thêm sức mạnh để bác sĩ Hoàng Thị Phượng và đồng nghiệp yên tâm công tác. Bác sĩ Phượng kể, môi trường làm việc ở BV và trạm y tế khác nhau, ở đây chị được tiếp cận người dân nhiều hơn. Ngoài việc thăm khám, cấp cứu ban đầu cho người bệnh, vào mỗi cuối tuần, chị và đồng nghiệp đến với bà con ở ấp đảo Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An) để tiêm chủng cho trẻ, hỗ trợ bà con phun khử khuẩn nơi sinh sống… “Thời gian tình nguyện ra xã đảo khám chữa bệnh cho người dân sắp hết, chúng tôi đã chuẩn bị đơn xin để được tiếp tục ở lại nơi đây thêm một thời gian để chăm lo sức khỏe cho bà con”, bác sĩ Hoàng Thị Phượng tâm sự.
Giống bao người trẻ khác, bác sĩ Nguyễn Thư Tình để lại sau lưng thành phố sôi động, nhận quyết định lên đường công tác tại BV Nhân Ái (tỉnh Bình Phước). Có thời gian phải trải qua nhiều biến cố của cuộc đời như không may bị phơi nhiễm căn bệnh thế kỷ, rồi hạnh phúc riêng tư tan vỡ vì sự kỳ thị với người nhiễm HIV, nhưng chị vẫn lựa chọn ở lại BV Nhân Ái như mối “duyên” tiền định. “Bệnh nhân cần chúng tôi, các đồng nghiệp cần chúng tôi, vì thế chúng tôi không nỡ bỏ lại sau lưng những con người này để đi tìm hạnh phúc riêng”, bác sĩ Nguyễn Thư Tình chia sẻ.
Nặng nghĩa với buôn làng
Từ khi sinh ra và lớn lên ở buôn làng K’Ho, BS CK1 Ka Phương Thảo (33 tuổi, Trưởng khoa Khám và cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) đã cảm nhận được những thiếu thốn, thiệt thòi của bà con nơi đây. Từ đó, chị quyết tâm theo đuổi ngành y để quay trở về phục vụ buôn làng. Chị kể, thập niên 80 của thế kỷ trước, mẹ chị từ TP Hà Nội vào huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng nhận nhiệm vụ trong ngành y tại địa phương. Tại đây, cô gái Hà thành đã kết duyên, lập gia đình với chàng trai đồng bào dân tộc thiểu số tên K’Lêu và cả hai cùng chung tay xây dựng cuộc sống ở vùng đất mới huyện Đam Rông - một trong những huyện khó khăn nhất của cả nước.
Lớn lên trong tình yêu thương của buôn làng và chứng kiến sự thiếu thốn đủ thứ của bà con nơi đây, đặc biệt về nhu cầu chăm sóc sức khỏe, năm 2008, khi tốt nghiệp THPT, Ka Phương Thảo đã quyết định thi và đậu vào chuyên ngành bác sĩ đa khoa, Học viện Quân Y (Hà Nội). Đến năm 2015, chị trở về địa phương bắt đầu những tháng ngày phục vụ bà con quê mình. Để nâng cao trình độ nghiệp vụ, Ka Phương Thảo tiếp tục theo học ngành Răng hàm mặt tại Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế).
Sau khi tốt nghiệp, chị bỏ qua nhiều lời đề nghị hấp dẫn công tác tại các thành phố lớn để trở về quê. “Mẹ tôi dành cả đời cống hiến cho ngành y tế địa phương và thường dạy tôi, bà con ở đây còn nhiều khó khăn, cần những người nhiệt huyết nên tôi tiếp tục về nơi cha mẹ từng công tác để tiếp tục cống hiến”, Ka Phương Thảo chia sẻ và cho biết, ở nơi có đến 75% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế còn hạn chế nên việc phối hợp với các y, bác sĩ trong quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn. Chị và Đoàn Thanh niên Trung tâm Y tế huyện đã xây dựng “Tủ thuốc 0 đồng” vận động, quyên góp từ nhiều nguồn hỗ trợ tối đa cho bệnh nhân nghèo tại địa phương khi đến điều trị nhưng không có khả năng mua thuốc.
Tủ thuốc ra đời tháng 8-2022, đến nay đã có 90% bệnh nhân sử dụng ít nhất 1 loại thuốc từ “Tủ thuốc 0 đồng”. Để triển khai, các đoàn viên phối hợp với Chi hội Chữ thập đỏ Trung tâm Y tế huyện Đam Rông vận động nguồn thuốc từ mạnh thường quân hỗ trợ. Đặc biệt, trung tâm còn kết nối một số tổ chức từ thiện có quỹ thuốc kết dư đảm bảo các tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế trước khi đưa vào tủ thuốc.
“Chúng tôi phối hợp với phòng Kế toán hành chính, khoa Dược nhập thuốc vào tủ, vào phần mềm, kiểm tra về số lô, hạn sử dụng, chất lượng thuốc, mặc định thuốc về giá 0 đồng, thông báo tới toàn bộ y, bác sĩ tại trung tâm y tế và hướng dẫn trên phần mềm để sử dụng cho đúng đối tượng cam kết ban đầu, tuyệt đối sử dụng giá “0 đồng” có thể hiện trên bảng kê chi phí khám chữa bệnh. Nhờ đó mà tủ thuốc ngày càng được vun đắp nhiều hơn, bà con nơi đây vì vậy cũng được chia sẻ phần nào khó khăn”, bác sĩ Ka Phương Thảo tâm sự.
Theo bác sĩ Nguyễn Thư Tình, khi về công tác tại BV Nhân Ái, bệnh nhân của chị đa số là người nghiện ma túy, nhiều người là những tay anh chị giang hồ có số má, được chuyển từ các trại, trung tâm cai nghiện của thành phố về. Ngoài nhiễm HIV, họ còn mang trong mình nhiều bệnh cơ hội khác như bệnh phổi, gan, da… thể trạng suy kiệt. Do đa số đều bị người thân, cộng đồng kỳ thị, xa lánh nên lúc mới được chuyển đến, họ thường có thái độ bất hợp tác, hung hăng, chống đối, thậm chí tấn công lại người chăm sóc mình. Dẫu vậy, lâu dần chị và các đồng nghiệp cũng quen với điều đó. Sau những dông gió, biến cố cuộc đời, họ lại trở về đúng bản ngã của con người, hiền lành như cành cây, ngọn cỏ. “Sống với họ, tôi cảm thấy họ đáng thương hơn đáng trách, dễ mến và tình cảm. Thế nên, càng gắn bó với họ lâu thì mình càng cảm thấy nơi đây bình yên đến lạ kỳ”, bác sĩ Tình tâm sự.