Năm 2020-2021, đại dịch Covid-19 hoành hành khiến có lúc ngành y tế tưởng như bất lực. Song, bằng nỗ lực cũng như sự đồng lòng chiến đấu “vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân”, ngành y tế đã vượt “bão” Covid-19 thành công. Đại dịch đi qua, tưởng như “trời yên biển lặng” thì ngành y tế lại nổi sóng với những cú sốc lớn làm lung lay niềm tin của chính những người đang khoác lên mình chiếc áo blouse và của người dân đối với ngành y tế.
Cơn bão vẫn… chưa tan!
Những ngày đầu năm, tại Khu khám ngoại trú Bệnh viện Quận Bình Thạnh, TPHCM luôn có hàng trăm người bệnh ngồi đợi tới lượt lấy thuốc. Ông Lý Hoàng H. (67 tuổi, ngụ phường 21, Bình Thạnh) chia sẻ: Bệnh viện sạch sẽ, thoáng mát, nhân viên y tế tận tụy, cầu thị…, chúng tôi rất chia sẻ và chỉ mong sao việc thiếu một số loại thuốc tại bệnh viện nhanh chóng được khắc phục để người bệnh không phải ra ngoài mua thuốc thay thế.
Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, căn bệnh “thiếu thuốc” cũng nan y như chính mô hình bệnh tật nơi này. Theo TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, đến cuối tháng 1-2023, đơn vị vẫn còn trên 470 bệnh nhân chờ phẫu thuật hoặc chờ xạ trị do đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, thuốc tồn kho ít, dẫn đến thiếu thuốc. “Các bệnh viện trong thời điểm đại dịch gặp muôn vàn khó khăn trong đấu thầu mua sắm vật tư y tế, thuốc men và đã có nhiều đề xuất, kiến nghị gửi bộ, ngành, thành phố… Tuy nhiên, tình trạng này vẫn kéo dài cho đến hiện nay, chưa kể có những quy định mới gây khó cho bệnh viện. Đó là Thông tư 68 của Bộ Tài chính ban hành ngày 11-11-2022 hiện đang áp dụng”, TS-BS Diệp Bảo Tuấn bức xúc nói.
TS-BS Diệp Bảo Tuấn cho biết, theo Thông tư 68, giá thị trường làm cơ sở mua sắm phải được tham khảo từ ít nhất 3 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gần nhất. Nhưng cái khó là có những thiết bị máy đặc chủng, không có nhà cung cấp thứ hai nào có, ngoài nhà sản xuất. Vì vậy, khi thiết bị này bị hư hỏng bộ phận nào đó, đơn vị không tìm được biện pháp tháo gỡ để mua. Vì không có thiết bị thay thế, máy không hoạt động được, bệnh nhân đương nhiên phải chờ.
Còn tại Bệnh viện Trưng Vương TPHCM, ngoài việc bị hư hao thiết bị vật tư y tế, đơn vị này còn phải đối mặt với việc hàng loạt nhân viên nghỉ việc. Bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Trưng Vương, cho biết, chỉ riêng trong 10 tháng của năm 2022, đơn vị có 138 nhân viên nghỉ việc (53 điều dưỡng). Đặc biệt, những điều dưỡng gửi đơn xin nghỉ, bỏ việc đều trình bày là thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Gánh nặng công việc dồn cho những điều dưỡng còn lại, do vậy áp lực nhân viên y tế xin nghỉ việc đang là nỗi đau đáu của bệnh viện.
"Có tâm lý lo ngại, sợ sai gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong ngành y tế" - Bộ trưởng Bộ Y tế ĐÀO HỒNG LAN
Quyết tâm vượt khó
Trước những khó khăn thách thức trên, hầu hết các bệnh viện và cán bộ, nhân viên y tế càng nỗ lực hơn để từng bước tìm cách tháo gỡ khó nhằm phục vụ người bệnh được tốt hơn. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, khi nhận thấy nguy cơ thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, lãnh đạo bệnh viện đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị rà soát mọi nguyên nhân khách quan, chủ quan, công tác đấu thầu để kịp thời xử lý những vướng mắc. Đồng thời, tập thể bệnh viện xác định chia ca kíp làm ngày, làm đêm, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, sức khỏe của bệnh nhân là trên hết, trước hết.
Người bệnh lấy thuốc BHYT tại Bệnh viện Quận Bình Thạnh, TPHCM |
Nguyên nhân nào khách quan, nếu không thể khắc phục được thì báo cấp trên. Đơn cử văn bản pháp quy không thể thực hiện được thì có đề xuất lên trên. Nguyên nhân nào khắc phục được thì bệnh viện chủ động giải quyết luôn. Nhờ đó, bệnh viện vơi dần nỗi lo thiếu thuốc, vật tư khám chữa bệnh. “Chúng tôi không vì khó khăn trước mắt đánh mất sự lạc quan, đánh mất bản lĩnh, đánh mất niềm tin. Lãnh đạo bệnh viện luôn duy trì, động viên, khích lệ, tạo niềm tin chiến thắng, phải có bản lĩnh để vượt qua. Càng khó khăn, càng phức tạp càng phải giữ bản lĩnh của mỗi người thầy thuốc. Đồng thời, phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của cán bộ nhân viên và người dân, phát huy sức mạnh và trí tuệ tập thể, sự đoàn kết của toàn thể cán bộ bệnh viện sẽ là sức mạnh tổng hợp đưa Bệnh viện Chợ Rẫy vượt qua khó khăn để tiếp tục ổn định và phát triển”, TS-BS Nguyễn Tri Thức khẳng định.
Cũng là một trong những cơ sở vượt qua được nhiều khó khăn, thách thức, GS-TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, TP Hà Nội, cho biết, năm qua chúng tôi cũng đối mặt với tình trạng thiếu trang thiết bị, thiếu nguồn lực để tái đầu tư, mua sắm trang thiết bị nên nhiều khi cả thầy thuốc và bệnh nhân đều vất vả. Tuy nhiên, để mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, chúng tôi đã có nhiều giải pháp như: chia ca làm theo giờ, động viên cán bộ làm thêm giờ để đảm bảo tất cả bệnh nhân đến bệnh viện đều được điều trị; bệnh viện đã phân luồng bệnh nhân nội trú, ngoại trú xét nghiệm theo khung giờ. Hơn nữa, trong giao ban hàng ngày cũng như giao ban toàn viện, lãnh đạo bệnh viện luôn động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động rằng đây là khó khăn tạm thời không những của riêng ngành y tế nước nhà mà còn cả các nước trên thế giới.
“Chúng tôi động viên mọi người cố gắng vượt qua những khó khăn tạm thời này và may mắn là trong năm 2022, bệnh viện chưa xảy ra tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc sang bệnh viện tư nhân”, GS-TS Lê Văn Quảng tâm sự và cho biết, bệnh viện luôn nỗ lực để đảm bảo đời sống tối thiểu cho nhân viên với tinh thần “Có thực với vực được đạo”.
"Bộ Y tế và các đơn vị phải giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư thiết bị y tế bằng sự minh bạch và khả thi, tránh tâm lý e ngại"- Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH