Ngày 21-12, Công an TPHCM tổ chức họp báo thông tin tình hình, kết quả công tác công an năm 2020 và định hướng công tác năm 2021. Dịp này, Công an TPHCM cũng triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự trong dịp lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Thành ủy viên, Phó Giám đốc Công an TPHCM, chủ trì buổi họp báo.
Chủ động đấu tranh ngăn chặn tội phạm
Phát biểu tại buổi họp báo, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho biết, năm 2020, Công an TPHCM đã đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, kéo giảm phạm pháp hình sự; phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc về an ninh trật tự xảy ra ngay từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng”; tích cực tham gia tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19. Qua đó giữ vững ổn định an ninh, trật tự, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang nhấn mạnh, năm 2021 là năm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; dự báo sẽ có nhiều khó khăn thách thức mới trên lĩnh vực bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các thế lực thù địch, chống đối chính trị sẽ tiếp tục lợi dụng vấn đề nhạy cảm, khiếu kiện trong nhân dân… để đả kích đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước hòng làm xói mòn lòng tin của nhân dân. TPHCM là một trong những địa bàn mà các loại tội phạm từ các nơi khác đến ẩn náu và hoạt động. Bên cạnh đó, tình hình dân cư thành phố tiếp tục tăng, cơ sở hạ tầng giao thông không theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội, do đó hoạt động của các loại tội phạm và trật tự an toàn giao thông sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp…
Để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn TP, Công an TPHCM xác định giải pháp trung tâm vẫn là chủ động phòng ngừa, chủ động đấu tranh ngăn chặn tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân giải quyết triệt tiêu nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, làm chuyển biến mạnh mẽ ý thức người dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Đồng thời, Công an TPHCM tập trung siết chặt kỷ luật kỷ cương, việc chấp hành quy chế, quy trình công tác; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng phục vụ và tạo thuận lợi tối đa cho người dân, tổ chức. Công an TPHCM cũng tổ chức các đợt cao điểm trấn áp tội phạm; triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động tuần tra kiểm soát hỗn hợp (Tổ công tác 363); quản lý chặt địa bàn, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đảm bảo an ninh trật tự.
Phạm pháp hình sự được kéo giảm
Trước đó, Thượng tá Thái Thanh Xuân, Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM đã thông tin kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP. Trong năm 2020, Công an TP đã triển khai hàng loạt các biện pháp công tác, đồng bộ giữa các giải pháp nên công tác đấu tranh các loại tội phạm trên địa bàn TP thu được nhiều kết quả tích cực. Phạm pháp hình sự tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm; ghi nhận xảy ra 4.409 vụ (so với cùng kỳ giảm 13 vụ); có 4 loại án được kiềm chế, kéo giảm. Công an TPHCM cũng đã điều tra khám phá 3.220 vụ phạm pháp hình sự, bắt 5.119 đối tượng. Lực lượng 363 Công an TPHCM đã phát hiện, xử lý nhanh và bàn giao 694 trường hợp nghi vấn đến các đơn vị có thẩm quyền, có dấu hiệu của tội phạm hình sự, ma túy, kinh tế và 23.086 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Trong công tác đấu tranh với tội phạm về ma túy, Công an TPHCM đã phát hiện, xử lý 1.795 vụ/4.988 đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (tăng 147/1.063 đối tượng so với cùng kỳ); khởi tố 1.578 vụ/2.107 bị can (tăng 145 vụ/232 bị can so với cùng kỳ); xử lý hành chính 204 vụ/2.850 đối tượng; thu giữ 34,328kg heroin, 758.232 kg ma túy tổng hợp.... Tính đến nay, trên địa bàn TP có 27.887 người nghiện (tăng 2.775 người so với cuối năm 2019).
Để ngăn chặn, kiểm soát dịch Covid-19, Công an TPHCM đã phối hợp tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức triển khai thành lập 62 chốt, trạm kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại các cửa ngõ TP, các tuyến đường giáp ranh với các tỉnh; tổ chức “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để phát hiện, ngăn chặn kịp thời lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Công an TPHCM đã kiểm tra phát hiện, xử lý 119 người nước ngoài nhập cảnh trái phép; kiểm tra, phát hiện 68 vụ kinh doanh, mua bán, vận chuyển khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ và sản xuất, kinh doanh găng tay y tế giả, đồ bảo hộ y tế; lập biên bản xử phạt hành chính 7.156 trường hợp không đeo khẩu trang khi hoạt động nơi công cộng.
Trong năm 2020, trên địa bàn TPHCM xảy ra 290 vụ cháy, giảm 52 vụ (tương đương 15,2%) so với cùng kỳ năm 2019, làm chết 12 người, bị thương 27 người, thiệt hai tài sản ước tính khoảng 13,3 tỷ đồng.
Không có vùng cấm trong xử lý tội phạm Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM) trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (gọi tắt là Công ty IPC) và Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (gọi tắt là Công ty Sadeco), Thượng tá Phạm Văn Thành, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (PC03), Công an TPHCM cho biết, Công an TPHCM tiếp nhận điều tra trên cơ sở tiếp nhận hồ sơ từ thanh tra TPHCM. Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TP đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với viện kiểm sát, tòa án trong việc đánh giá tài liệu chứng cứ, xác định vai trò trách nhiệm của từng cá nhân liên quan đến sai phạm trong việc bán 9 triệu cổ phiếu của Công ty Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim. Thượng tá Phạm Văn Thành thông tin về vụ bắt ông Tất Thành Cang và ông Diệp Dũng Liên quan đến sai phạm tại Công ty Sadeco, Công an TPHCM khởi tố 19 cá nhân. Trong đó có ông Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM), Tề Trí Dũng (Nguyên Tổng giám đốc Công ty IPC kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Sadeco), Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng giám đốc Công ty Sadeco); Phạm Xuân Trung (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty IPC), Huỳnh Phước Long (nguyên chuyên viên văn phòng Thành ủy TPHCM, nguyên thành viên HĐQT Công ty Sadeco), Phạm Văn Thông (nguyên Phó Chánh văn phòng Thành ủy TPHCM), Lê Hoàng Minh (nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty IPC), Vũ Xuân Đức (nguyên thành viên HĐTV Công ty IPC), Nguyễn Trường Bảo Khánh (nguyên thành viên chuyên trách HĐTV Công ty IPC), Phùng Đức Trí (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty IPC), Trần Đăng Linh (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty IPC), Nguyễn Hữu Thành (nguyên thành viên HĐQT Công ty Sadeco), Phạm Nhật Vinh (nguyên thành viên HĐQT Công ty Sadeco) và Trần Công Thiện (nguyên Tổng giám đốc Công ty IPC)… Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TPHCM đang điều tra vụ án, sớm đề nghị truy tố các bị can theo luật định. Thượng tá Phạm Văn Thành nhấn mạnh: “Cơ quan điều tra thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đó là: “Kiên quyết xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền... Quá trình điều tra vụ án khách quan, thượng tôn pháp luật, xử lý nghiêm minh nếu có sai phạm”. Thông tin về việc khởi tố, bắt giam ông Diệp Dũng (52 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM, viết tắt Saigon Co.op), Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cũng cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TPHCM đang tích cực điều tra việc huy động vốn gây thiệt hại cho Saigon Co.op. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định ông Diệp Dũng đã lạm quyền với tư cách chủ tịch HĐTV đã không thông qua hội đồng thành viên theo quy định của hợp tác xã, quy chế của Saigon Co.op, để lấy số tiền cho vay gây thất thoát, thiệt hại cho Saigon Co.op hàng chục tỷ đồng... |