Giữ vị thế thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới

Việt Nam hiện đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu thủy sản. Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ thủy sản rất lớn, khoảng 22 kg/người/năm. Nếu Việt Nam không gỡ được “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) thì ngoài ảnh hưởng đến trên 500 triệu USD xuất khẩu sang EU mỗi năm, sẽ còn ảnh hưởng vị thế chính trị Việt Nam trên trường quốc tế.

Rào cản gây nhiều thiệt hại

Thị trường EU là một trong 3 thị trường xuất khẩu hải sản chủ lực của Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam có 524 doanh nghiệp chế biến thủy sản được phép xuất khẩu thủy sản vào EU. Trước khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU khá thuận lợi, liên tục tăng mạnh (từ 90 triệu USD vào năm 1999 lên gần 1,5 tỷ USD vào năm 2017).

Sau 3 năm bị áp “thẻ vàng”, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường EU giảm xuống còn 1,22 tỷ USD vào năm 2020. “Thẻ vàng” ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu thủy sản. Trước khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU thời gian làm thủ tục chỉ mất 1-3 ngày, nhưng sau khi bị áp “thẻ vàng” thì thủ tục kéo dài 2-3 tuần. Không chỉ vậy, vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế cũng bị ảnh hưởng.

D3a.jpg
Chế biến cá ngừ xuất khẩu

Quy định về hoạt động chống khai thác IUU (khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) được EC đưa ra là bởi trong nhiều thập niên qua, nguồn lợi hải sản đã bị khai thác tới mức cạn kiệt do các hành vi khai thác tận diệt (dùng thuốc nổ, dùng lưới vét bắt tất cả, không phân biệt kích thước, dùng các biện pháp khai thác gây tác hại nghiêm trọng cho môi trường biển, đe dọa tính bền vững của đàn cá…). Quy định này được thiết lập thống nhất trên toàn EU để ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản có hoạt động khai thác IUU vào thị trường EU.

Năm 2017, khi nhận cảnh báo “thẻ vàng” của EC, Việt Nam cũng nhận thức được những tác động tiêu cực của hoạt động khai thác IUU đối với phát triển ngành thủy sản. Việc bị áp dụng “thẻ vàng” kéo dài nhiều năm khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU sụt giảm liên tục. Chỉ sau 2 năm chịu tác động từ “thẻ vàng”, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU sụt giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD (năm 2019).

Xu hướng giảm còn nặng nề hơn nữa vào năm 2020, do tác động kép bởi dịch Covid-19 và “thẻ vàng”, xuất khẩu thủy sản sang EU tiếp tục giảm thêm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD. Năm 2022, EU đã từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam (sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc).

Chung tay gỡ khó thủ tục

Thời gian qua, các doanh nghiệp thủy sản đã nỗ lực chung tay gỡ “thẻ vàng”, đồng thời kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ bất cập trong thực thi chương trình chống khai thác IUU.

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, cho rằng, việc các cơ sở hạ tầng nghề cá ở các tỉnh ven biển đang xuống cấp đã góp phần làm giảm tiến độ đáp ứng các quy định tháo gỡ “thẻ vàng” và mục tiêu phát triển bền vững nghề cá Việt Nam. Nhiều cảng cá có công suất thấp, thậm chí thiếu an toàn; trong khi số lượng tàu thuyền lớn, không đủ nơi neo đậu. Phần lớn các cảng chưa được đầu tư xây dựng đầy đủ kho lạnh, nhà điều hành, nhà phân loại cá, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải...

Bên cạnh đó, bà Lan cũng chỉ ra thực tế tại các địa phương ven biển, đó là kỹ thuật, công nghệ và năng lực xử lý các quy trình thực thi, các thủ tục xác nhận - chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác còn nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn khi sử dụng nguồn nguyên liệu khai thác phải có xác nhận, chứng nhận, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng hải sản khai thác.

Để giải quyết khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp chế biến hải sản, bà Lan kiến nghị cần cải tiến nhanh cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền - khai thác để hệ thống cơ sở dữ liệu của 28 tỉnh, thành phố ven biển phải liên thông nhau, giúp cho việc quản lý, tra cứu thuận tiện và nhanh hơn; quy trình xác nhận - chứng nhận hải sản khai thác cần được số hóa để giải quyết nhanh và hiệu quả thủ tục này ở các địa phương.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cũng cho rằng, còn nhiều bất cập trong quy định và thực thi chương trình chống khai thác IUU đang làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hải sản khai thác của Việt Nam.

Hiện nay, doanh nghiệp thủy sản thường không mua sản phẩm trực tiếp từ ngư dân mà phải mua qua vựa, qua nhiều nguồn nên không có đủ căn cứ đề nghị Tổ chức quản lý cảng cá cấp biên nhận bốc dỡ thủy sản qua cảng. Trường hợp mua được trực tiếp thì cũng chưa chắc tàu cá đó hoàn toàn hợp pháp (không gián đoạn giám sát hành trình, khai thác đúng vùng...) hoặc có tàu hợp pháp thì sản lượng thực tế rất ít, không đủ sản lượng so với sản lượng thực tế thu mua…

Thực tế, đặc thù Việt Nam có nghề cá nhỏ, một số loài có thể xuất khẩu được như mực, cá cơm… nhưng lại được đánh bắt ven bờ bằng tàu, thuyền nhỏ, không định vị và không làm được giấy xác nhận khai thác. Doanh nghiệp bày tỏ mong muốn các quy định nên linh hoạt với đặc thù nghề cá nhỏ của Việt Nam để tận dụng nguyên liệu ven bờ, có thể xuất khẩu được. Doanh nghiệp kiến nghị được chia sẻ, cung cấp thông tin hoặc cơ sở dữ liệu tàu cá, để biết nguồn nguyên liệu nào là hợp pháp khi thu mua.

Gỡ “thẻ vàng” thủy sản ngay trong năm nay là quyết tâm của Việt Nam, và được xác định là không phải để đối phó với EC mà là thay đổi nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững hơn, nâng cao hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế, khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Tin cùng chuyên mục