Sắt son niềm tin với Đảng
Mẹ mất sớm, Út Đực (tên thường gọi của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực) phải làm thuê, làm mướn nuôi thân. Năm 1959 - 1960, phong trào Đồng Khởi nổ ra ở Bến Tre và nhanh chóng lan rộng khắp miền Nam, Út Đực 20 tuổi, xin gia nhập lực lượng du kích xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi) và được phân công vào công xưởng sản xuất vũ khí của xã.
Bằng dụng cụ thô sơ và những sáng kiến cải tiến của Út Đực, xưởng đã sản xuất ra các loại súng mô phỏng súng ngựa trời, súng cạc-bin, súng K54 và colt 12 ly. Tên tuổi Tô Văn Đực được biết nhiều hơn với chiếc mìn gạt chống các loại xe tăng M113, M118 vì loại vũ khí này gây ra nhiều tổn thất cho quân địch.
Nhờ quá trình nỗ lực học tập, rút kinh nghiệm, kiểm tra thăm dò, Út Đực đã tự mày mò xem nguyên lý nổ của bom bi rồi sáng chế thành “mìn chạm” đánh xe tăng của địch.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Tô Văn Đực được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 21 tuổi, lễ kết nạp diễn ra ngay chiến hào chống càn. Tiếp đó, Tô Văn Đực đã vinh dự được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trong những ngày toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, chúng tôi tìm đến người “Anh hùng mìn gạt” huyền thoại, biểu tượng của Củ Chi đất thép năm xưa.
80 tuổi đời, gần 60 năm tuổi Đảng, “Anh hùng mìn gạt” tiếp tục có những đóng góp cho quê hương. “Cả cuộc đời tôi có Đảng dẫn đường, quân đội rèn luyện, nhân dân nuôi dưỡng. Tôi tin thế hệ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống cha anh đi trước để xây dựng thành phố mình thật sự là thành phố nghĩa tình”, anh hùng Tô Văn Đực bày tỏ.
Vẹn tròn tình đồng đội
Ông đã ngoài 70 tuổi, mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác, nhưng đối với con người đã từng vào sinh ra tử ấy thì cái chết không còn quan trọng nữa. Ông chạy đua với thời gian để làm nốt những công việc cuối cùng, cho Côn Đảo, cho những người đồng đội đã không trở về. Nhiều người kính trọng gọi ông với cái tên “tư liệu sống” của Côn Đảo. Ông chính là cựu tù chính trị Côn Đảo, Tiến sĩ Sử học, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Bùi Văn Toản.
Mỗi lần nhớ lại những ký ức đau thương mà hào hùng thuở ấy, trong lòng người cựu tù chính trị Côn Đảo lại trào dâng vô vàn cảm xúc. “Chúng tôi bị giam ở chuồng cọp, không được ra ngoài. Khi có tin Bác mất chúng tôi hoàn toàn không tin, coi đây là thủ đoạn tâm lý của địch để đánh lạc hướng, làm suy mòn lòng tin của những người tù.
Mãi đến tháng 12-1969, khi những anh em ở đất liền bị đày ra đảo báo lại, chúng tôi mới tin là Bác đã mất. Để chuẩn bị cho kỷ niệm sinh nhật Bác, ngày 19-5-1970, toàn trại phát động học tập Di chúc Bác Hồ.
Trong 2 tháng, chúng tôi truyền cho nhau Bản di chúc của Người, thảo luận từng lời, từng ý để thấm vào con người, từ đó đề ra kế hoạch cho bản thân, cho cả phòng và tổ chức tự kiểm điểm, tự phê bình từng người, phải đề ra ý thức phấn đấu cá nhân.
Anh em tù nào cũng nhớ như in câu đầu tiên của Di chúc: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Câu đó động viên những tù nhân giữ vững niềm tin vào cách mạng, thắng lợi của cách mạng”, ông Toản nhớ lại.
Sau ngày đất nước thống nhất, làm việc thêm mấy năm rồi ông Toản xin nghỉ hưu non để dành thời gian trọn vẹn cho tâm nguyện đau đáu của mình. Ròng rã 25 năm ông âm thầm sưu tầm, tra cứu một khối lượng tư liệu khổng lồ, gặp gỡ hàng trăm đồng đội cũ để viết hơn chục cuốn sách về nhà tù Côn Đảo.
Có những cuốn mang tính tư liệu cực kỳ đáng quý như: Nhà tù Côn Đảo, danh sách hy sinh và từ trần giai đoạn 1930-1975 và tù nhân Côn Đảo 1940-1945, với thông tin về hơn 8.000 người tù. Ngoài ra, bộ sách trên còn giúp các địa phương có thêm cơ sở xét công nhận diện liệt sĩ, lão thành cách mạng.
“Đó là điều mà chúng tôi nghĩ rằng cuối đời đã góp một phần cho những tù binh Côn Đảo, vừa là nghĩa tình, đạo lý của dân tộc, vừa vẹn tròn tình đồng đội như lời Bác dạy”, Anh hùng Bùi Văn Toản chia sẻ.