Di sản cuối cùng
Ông Đinh Ngọc Loan (68 tuổi) là cựu chiến binh về từ chiến trường Campuchia, thương binh 2/4. Quê hương của ông là nơi vua Hàm Nghi đặt sơn phòng bí mật của phong trào Cần Vương, cũng là thủ phủ trầm hương nức tiếng một thời. Năm 1983 ông xuất ngũ về quê, cuộc sống khó khăn, ông kể: “Lúc đó miếng ăn thúc bách lắm, với người miền xuôi khó một thì người miền ngược khó trăm khó ngàn lần. Xã Hóa Sơn phải qua eo Lập Cập cách trở, dân cư ở sâu trong hốc núi nên tui đành theo người làng đạp cội tìm trầm ở khắp nơi. Đi tới đâu là đào rừng, hạ cây tìm trầm. Cứ ngó cây cổ thụ hạ xuống lòng bao xót xa. Mỗi chuyến trầm đi về có chút tiền thì lại đốt vào rượu chè, cuối cùng cái ăn vẫn thiếu vô biên giữa núi rừng”.
Dằn vặt vì sao trai tráng ở rừng lại đi phá rừng, nghĩ ngợi mấy năm, đến năm 1985 ông Đinh Ngọc Loan làm bữa cơm thề với bạn bè “rửa tay gác kiếm” không bao giờ đi hạ cây tìm trầm nữa mà làm một việc gì đó để trả nợ rừng. “Phải trả cả đời cũng làm. Trả cả tính mạng cũng làm. Đang bí bách, không biết làm gì thì nhớ lại, trên rẫy của ông cố truyền lại có 2 cây trầm cổ thụ to bằng 2 người ôm. Vườn trầm ấy ngày xưa nhiều cây, đã cung tiến phong trào Cần Vương cả rẫy để mua sắm vũ khí, còn sót lại 2 cây cho con cháu. Tui quyết định lấy giống từ 2 cây trầm tổ ấy nhân ra trồng rừng”, ông Loan nói.
Đến năm 1993 thì Nhà nước phát động phong trào khai hoang trồng rừng, ông Loan nhận 6ha. “Tui nhân giống trầm từ 2 cây di sản cuối cùng của tổ tiên để lại, lấy hạt của chúng ươm xuống đất, có khi 10 hạt lên 1 cây, nhưng sau đó mày mò, tìm được tính tình nảy mầm của hạt mà thành công nên ươm dễ dàng, từ hạt giống quý hiếm của 2 cây trầm tổ mà trồng hơn 5.000 cây trầm con. Để kiếm kế sinh nhai, tui còn nhân giống bán mỗi năm 3.000 cây cho bà con vùng khác và 1.500 cây dó tuổi nhỏ cho một số đơn vị nên cũng đủ cơm áo, làm nhà ngói chắc chắn”, ông Loan kể.
Khu rừng không bán
Xã Hóa Sơn tuy nằm xa đường quốc lộ, xa các trung tâm giao thương, 4 bề núi đá vôi dựng đứng nhưng một thời nhộn nhịp các tay săn trầm khắp trong Nam, ngoài Bắc xâm nhập vì nơi này là vùng trầm loại thượng hạng. Biết khu rừng của ông Loan, nhiều thương lái đến dò la, xin xem và xin mua rừng trầm. Ông Loan nói: “Có ngày tui tiếp cả chục người đến gạ mua, miền Bắc có, miền Nam có, giọng Nghệ An có… nhưng tui kiên quyết không bán. Tui nói trồng rừng là để giữ lại di sản của tổ tiên để lại, giữ lại cái tiếng xứ Hóa Sơn vùng trầm. Giờ ngoài tự nhiên không còn thì con cháu lo giữ lấy để mai này hậu thế còn biết cây trầm gốc vùng này như thế nào. Năm 2005, một đại gia ở Huế ra đếm số cây rồi hô giá 6ha rừng trầm của tui 3 tỷ đồng, có người ở Hải Phòng vô hét gấp đôi. Ở vùng khỉ ho cò gáy này, lúc đó số tiền như thế là quá lớn, lớn đến mức ai cũng hoa mắt. Nhưng tui đã thề độc rồi, phải giữ lại di sản của cha ông nên tui khéo khước từ. Họ nói có thể trả đắt hơn nữa rồi giao cho tui bảo vệ, khi nào họ muốn khai thác thì họ thông báo. Nhưng tui nghĩ rằng, bán rồi thì đâu phải tài sản bản làng mình, lúc đó người ta ưa lấy đi lúc nào là lấy, cưa lúc nào thì cưa. Vậy nên lại càng không bán”, ông Loan tâm sự.
Bây giờ, rừng trầm của cựu chiến binh Đinh Ngọc Loan đã hàng chục năm tuổi, đường kính cây trầm được hơn 50cm, nhiều cây đã ra sản phẩm rất tốt nhưng ông vẫn giữ gìn bảo tồn. Khi giữ được cả rừng trầm như thế, gia đình ông Loan thu rất nhiều kết quả: “Cạnh tán trầm là rất nhiều cây đại thụ để chơi cảnh như cây bon bon, lội… nhiều người về trả hàng trăm triệu mỗi gốc nhưng tui vẫn khước từ. Tui chỉ bán những thứ khác như giảo cổ lam, hà thủ ô, thổ phục linh, cây lá vằng, sim… là những thứ tui đưa về trồng; tui lại cho thả gà, heo, trồng thêm cam, bưởi, tắc, mít nên mỗi năm một ít mà thu vào bền vững, thế là rừng cổ thụ không bán, để dành cho con cháu mà vẫn có tiền mỗi năm”, ông Loan kể.
Ông nói thêm: “Tui giữ một góc rừng quê tui cho cháu con, mai này nằm xuống cũng khuyên chúng không bán rừng mà bám vào đó sinh sống bền vững. Vì bán hết rừng thì cái bền vững không còn. Giữ lại là giữ hồn cốt bản quán quê hương”.