Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi) trong khuôn khổ phiên họp thứ 21 của UBTVQH |
Theo văn bản thông báo kết luận của UBTVQH về dự án Luật Giá (sửa đổi) vừa được Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường ký ban hành, UBTVQH đề nghị Chính phủ rà soát để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là quy định về áp dụng luật.
Đồng thời, Chính phủ cần rà soát, thống nhất với các luật khác, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; lưu ý các quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh; quy định về giá đất, tài chính đất đai trong dự thảo Luật Đất đai; quy định về thẩm định giá trong Luật Quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và các luật khác có quy định về thẩm định giá; rà soát kỹ các điều kiện chuyển tiếp.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát các trường hợp và biện pháp bình ổn giá; tiêu chí, phương pháp, thẩm quyền định giá; danh mục và các trường hợp hàng hóa, dịch vụ nhà nước định giá; cơ sở, căn cứ để hiệp thương giá, vai trò của nhà nước, trách nhiệm và vai trò của tổ chức, cá nhân trong hiệp thương giá…
Tính cụ thể, khả thi, công khai, minh bạch trong kê khai, niêm yết, tham chiếu giá và kiểm tra yếu tố hình thành giá; sự hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp và nhất là bảo vệ lợi ích của người yếu thế cũng là những yếu tố được UBTVQH đề nghị Chính phủ quan tâm.
Về bình ổn giá, UBTVQH đề nghị đánh giá kỹ lý do đề nghị thay đổi thẩm quyền quyết định điều chỉnh danh mục hàng hóa bình ổn giá so với quy định hiện hành, đánh giá tác động ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của công dân, của doanh nghiệp; nghiên cứu giữ như quy định hiện nay, Quốc hội quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá trong luật, trong thời gian giữa 2 kỳ họp, giao UBTVQH quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Về tiêu chí bình ổn giá, UBTVQH đề nghị bổ sung tiêu chí giá hàng hóa, dịch vụ biến động lớn, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Về Quỹ Bình ổn giá, UBTVQH thống nhất cần có quy định về bình ổn giá trong luật. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu quy định rộng hơn về các biện pháp bình ổn giá, tương thích với Luật Phòng thủ dân sự, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp và các luật về khắc phục sự cố, thảm họa; hoàn thiện cơ chế quản lý quỹ, quy định nguyên tắc, điều kiện thành lập quỹ, nguồn hình thành quỹ, thời hạn hoạt động của quỹ và giao cho Chính phủ quyết định; bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích trước khi giao Chính phủ quyết định thành lập quỹ.
Đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, cần đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của quỹ; điều hành phải công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo đảm tuân thủ theo các quy định của pháp luật, tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trường hợp không phát huy hiệu quả thì nghiên cứu, đề xuất phương án đối với quỹ.
Đáng lưu ý, về các hành vi bị cấm, UBTVQH đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể, chi tiết, định lượng hóa khái niệm (tăng giá) “bất hợp lý”, bảo đảm tính khả thi, tránh lạm dụng.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cùng cơ quan soạn thảo cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án luật, xin ý kiến hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (dự kiến tổ chức trong tuần đầu tháng 4 tới đây – PV), lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và một số cơ quan hữu quan tập hợp đầy đủ các ý kiến tham gia để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Việc xin ý kiến của hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cần nêu rõ các nội dung lớn, các nội dung quan trọng, các nội dung còn có ý kiến khác nhau, quan điểm của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và toàn bộ dự thảo luật, báo cáo rõ việc đáp ứng các mục tiêu, quan điểm, định hướng chính sách lớn khi đặt ra việc sửa đổi luật.