Giữ ổn định thị trường hàng hóa

Bộ Công thương dự báo hoạt động thương mại trong nước vẫn phải đối mặt với sức ép tăng giá những tháng cuối năm, do vậy việc liên kết giữ ổn định thị trường được xem là giải pháp thiết thực trong bối cảnh hiện nay.

Chủ động nguồn hàng giúp giá cả được giữ ổn định
Chủ động nguồn hàng giúp giá cả được giữ ổn định

Hàng hóa dồi dào, sức mua dần tăng

Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong những tháng đầu năm nay thị trường hàng hóa trong nước ổn định, sức mua tăng dần đều khi các địa phương liên tục có những hoạt động kích cầu tiêu dùng. Số liệu được đưa ra từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước trong tháng 7-2024 đã tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.625,7 ngàn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,6%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2%. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.801,1 ngàn tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng mức và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Các địa phương ghi nhận doanh thu bán lẻ tăng trong 7 tháng qua có: Quảng Ninh (tăng 10,2%), Đà Nẵng (tăng 7,8%), Cần Thơ (tăng 7,6%), Hà Nội (tăng 6,6%) và TPHCM (tăng 6,3%).

“Nhìn chung, thị trường trong nước tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá cao, có xu hướng tăng dần từ đầu năm đến nay; mặt bằng giá cả cơ bản ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo” - Bộ Công thương đánh giá.

Để có những kết quả này, bên cạnh sự điều hành chính sách của Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương, thì sự chủ động chung tay của doanh nghiệp (DN) rất lớn. Theo đó, các DN từ sản xuất tới bán lẻ, dịch vụ đều liên tục đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp với thị hiếu và túi tiền của khách hàng, đồng thời có những giải pháp kích cầu đa dạng giúp người tiêu dùng mạnh dạn mua sắm. Điển hình như ở TPHCM, nhà bán lẻ Saigon Co.op đã ký kết các hợp tác với nhà cung ứng lên kế hoạch sản xuất dài hạn nhằm giúp họ chủ động nguồn hàng và giá cả; nhà bán lẻ này còn liên tục thực hiện luân phiên những đợt giảm giá sâu, mang tới những sản phẩm chất lượng, giá tốt phục vụ người tiêu dùng.

Đa dạng giải pháp giữ ổn định thị trường cuối năm

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Công thương đánh giá, hoạt động thương mại trong nước vẫn phải đối mặt với sức ép tăng giá những tháng cuối năm, hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng đều, đặc biệt là tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Xác định được những thách thức đó, các địa phương cùng cộng đồng DN đều đang có những giải pháp thiết thực nhằm giữ ổn định thị trường, nhất là giai đoạn cuối năm bởi thời điểm này nhu cầu mua sắm được dự báo tăng hơn. Đơn cử TPHCM, về phía chính quyền thành phố đã phát động chương trình khuyến mãi tập trung, kéo dài suốt 3 tháng với sự tham gia của 10.000 thương nhân, DN với khoảng 55.000 chương trình khuyến mãi. Song song đó, TPHCM huy động nguồn lực xã hội hóa của DN để thực hiện chương trình Bình ổn thị trường năm 2024. Các thống kê của Sở Công thương TPHCM cho thấy, năm 2024 chương trình Bình ổn thị trường có 69 DN đầu mối tham gia, tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023. Phần lớn các doanh nghiệp tham gia chương trình có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, TPHCM cũng lên kế hoạch tổ chức Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2024 vào tháng 9 tới nhằm tăng cường hơn nữa các hoạt động liên kết các vùng, miền; trao đổi, hợp tác cung ứng, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ giữa các tỉnh, thành trên cả nước; đồng thời qua đó đưa hàng hóa các tỉnh, thành vào hệ thống phân phối TPHCM và đưa hàng hóa TPHCM vào hệ thống phân phối các tỉnh, thành…

Về phía các DN sản xuất, ngoài chủ động nguyên liệu đầu vào, tiết giảm mọi chi phí để giữ giá tốt còn nghiên cứu thị hiếu của khách hàng để cho ra mắt những sản phẩm phù hợp. Còn các nhà phân phối thì có kế hoạch về nguồn hàng để đặt hàng với nhà sản xuất nhằm mang tới sản phẩm chất lượng, giá tốt cho người tiêu dùng.

“Để đảm bảo hàng hóa luôn đầy đủ nhưng vẫn phải chất lượng và có giá tốt nhất cho người tiêu dùng, Saigon Co.op đã thực hiện tốt công tác dự trữ nguồn hàng, có kế hoạch phân phối phù hợp cho từng thời điểm. Đặc biệt, Saigon Co.op đã hợp tác với nhà phân phối trong việc đặt hàng dài hạn từ 3-5 năm, giúp họ có kế hoạch sản xuất, chủ động nguồn hàng. Thậm chí, trong từng thời điểm, Saigon Co.op sẽ có những dự báo về cung - cầu của thị trường để nhà sản xuất có kế hoạch cung ứng linh hoạt” - ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op- chia sẻ.

Song song đó, theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, nhà bán lẻ này vẫn đang tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tối ưu hóa các kênh phân phối theo hướng đa kênh và tận dụng nền tảng thương mại điện tử để phục vụ đa dạng nhu cầu khách hàng.

Cửa hàng tiện lợi dẫn đầu tăng trưởng thị trường bán lẻ

Theo Tổng cục Thống kê, mảng cửa hàng tiện lợi là một trong những mô hình phát triển nhanh nhất trong các loại hình bán lẻ hiện đại tại Việt Nam. Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa (khoảng 0,3%) nhưng đây là loại hình chứng kiến sự tăng trưởng mạnh, với tốc độ tăng trưởng CAGR giai đoạn 2020-2022 đạt khoảng 18,4%.

Thực tế từ lâu phân khúc cửa hàng tiện lợi đã là sân chơi sôi động của các tên tuổi trong ngoài nước với hàng ngàn cửa hàng trên toàn quốc. Bên cạnh các thương hiệu nước ngoài như Circle K, FamilyMart, Ministop… nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng không bỏ qua “miếng bánh” lớn với loạt kế hoạch đầy tham vọng. Trong đó, nhà bán lẻ thuần Việt - Saigon Co.op gần đây đã liên tục đưa vào hoạt động thêm nhiều cửa hàng Co.op Smile ở khu vực TPHCM, nâng tổng số điểm bán của chuỗi cửa hàng này lên con số 108. Trong kế hoạch sắp tới, nhà bán lẻ này cho biết sẽ tiếp tục mở thêm hàng chục cửa hàng và dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ đạt 140 cửa hàng.

Theo nhà bán lẻ Saigon Co.op, điểm nhấn đặc biệt của Co.op Smile là kế thừa những sản phẩm đặc thù của tạp hóa truyền thống gồm: sản phẩm công nghệ, hóa phẩm và đồ dùng và phát huy thế mạnh có sẵn là hàng Việt đảm bảo xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, giá bình ổn phải chăng. Đồng thời, các cửa hàng này còn có dịch vụ cộng thêm gồm thanh toán điện, nước, điện thoại… nhằm tăng sự tiện lợi tối ưu cho bà con tại các ngõ hẻm, khu phố có hệ thống Co.op Smile trú đóng.

LAN ANH

Tin cùng chuyên mục