Phát biểu tại diễn đàn, PGS-TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, cho biết, ngay sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, có những việc chưa từng có tiền lệ và không thể dự báo như đại dịch Covid-19, cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, xung đột leo thang, đứt gãy chuỗi cung ứng... Trong bối cảnh đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng chiến lược trên cả nước với thông điệp rất rõ ràng. Điều này tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong vùng.
Đánh giá về kết quả kinh tế Việt Nam trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhận định, nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế là trọng tâm của Đảng trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, trong đó nổi bật là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trước những “cơn gió ngược” từ bên ngoài. Nền kinh tế vẫn đạt được những kết quả tích cực. Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh của kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế thế giới tăng trưởng âm. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đạt 6%-6,5% và là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 tuy đạt 3,72% so với cùng kỳ, nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, cả năm 2023 vẫn có thể đạt từ 6%-6,5%.
Tại diễn đàn, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đã tập trung thảo luận làm rõ sự cần thiết tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển kinh tế bền vững.