Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày cho thấy, việc thông qua Luật GDĐH tại kỳ họp này là cần thiết để tạo hành lang pháp lý một cách kịp thời cho các cơ sở GDĐH phát huy tự chủ, góp phần vào đổi mới, nâng cao chất lượng GDĐH một cách thực chất.
Về cơ sở GDĐH, ý kiến các đại biểu đề nghị quy định rõ ràng, mạch lạc mô hình cơ sở GDĐH; phân biệt và giải thích rõ các khái niệm đại học, trường đại học, học viện; làm rõ địa vị pháp lý của các loại hình trường. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật quy định rõ hệ thống GDĐH Việt Nam bao gồm: trường đại học, học viện (trường đại học); đại học (là tổ hợp các trường đại học, trường trực thuộc) và các cơ sở GDĐH khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Có ý kiến băn khoăn về mô hình tổ chức của đại học quốc gia (ĐHQG), đại học vùng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy việc thành lập các ĐHQG, đại học vùng được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết của Đảng. Trên thế giới, mô hình này không phải là mới và cũng đang là xu hướng phát triển nhằm hình thành các hệ thống đại học liên ngành, tạo sức mạnh tổng hợp để giải quyết những nhiệm vụ, yêu cầu mới về phát triển khoa học và công nghệ và cạnh tranh thế giới.
Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, mô hình hai ĐHQG đã ổn định và mang lại kết quả nhất định cả về chuyên môn, khoa học lẫn quản lý, đi đầu trong hệ thống giáo dục đào tạo với việc có mặt trong danh sách 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới.
Những vấn đề tồn tại của các đại học vùng hiện nay có nguyên nhân chủ yếu là do chính sách và cơ chế quản lý chưa phù hợp, dự thảo Luật quy định hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ sở này tự chủ, tự quyết định cơ chế quản lý, phát huy thế mạnh của tổ hợp các trường đại học mạnh. “Trên cơ sở kế thừa thực tiễn, bảo đảm giữ ổn định hệ thống, tránh gây xáo trộn không cần thiết, UBTVQH đề nghị các đại biểu cho giữ quy định như Dự thảo”, ông Phan Thanh Bình nói.
Về tự chủ đại học, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giải thích rõ khái niệm tự chủ; quy định điều kiện, yêu cầu để được tự chủ; cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản; chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở GDĐH khi thực hiện tự chủ; quy định rõ khái niệm trách nhiệm giải trình và các nội dung về chất lượng, học phí, kết quả kiểm toán mà nhà trường phải thực hiện công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan.
Về cơ cấu tổ chức và quản trị của cơ sở GDĐH, Dự thảo Luật thống nhất gọi cơ quan quản trị ở cả trường công lập và tư thục là Hội đồng trường (HĐT); quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của HĐT, của từng thành viên trong HĐT cũng như của hiệu trưởng; xác định rõ HĐT là tổ chức quản trị còn hiệu trưởng thực thi quyền quản lý, điều hành hoạt động nhà trường trên cơ sở quy định pháp luật và nghị quyết của HĐT. Dự thảo Luật không quy định chi tiết tiêu chuẩn các chức danh chủ tịch HĐT, hiệu trưởng mà giao cho trường tự chủ quyết định phù hợp với quy định chung của pháp luật.
UBTVQH cũng cho rằng, đẩy mạnh tự chủ đại học là nội dung quan trọng và là mục tiêu chính của việc sửa đổi Luật lần này. Cùng với việc giao quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH thì trách nhiệm quản lý nhà nước có nhiều thay đổi, chuyển từ quản lý sang tạo hành lang pháp lý, giám sát. Do đó, việc củng cố vai trò, vị thế và quyền lực của thiết chế HĐT trong trường đại học là cần thiết. Dự thảo Luật đã bổ sung quy định chuyển một số thẩm quyền trước đây do cơ quan chủ quản và hiệu trưởng quyết định sang cơ chế HĐT quyết định; chuyển từ chế độ thủ trưởng sang chế độ quyết nghị của tập thể. Theo đó, thực hiện quyền tự chủ thuộc về HĐT; hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ điều hành, quản lý nhà trường theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Điều này phù hợp với xu thế chung của GDĐH trên thế giới.
Đáng chú ý, có ý kiến đề nghị quy định trong Luật về việc học các môn lý luận chính trị, lịch sử dân tộc trong các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. UBTVQH nhận thấy trên thực tế đối với các chương trình liên kết với nước ngoài cần tôn trọng chương trình đào tạo được cấp bằng của trường đối tác. Tuy vậy, Luật yêu cầu chương trình đào tạo của nước ngoài thực hiện tại Việt Nam phải được kiểm định công nhận, bảo đảm không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng, không có nội dung xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục và đoàn kết các dân tộc Việt Nam, hòa bình, an ninh thế giới. Dự thảo Luật cũng quy định chương trình liên kết sau một thời gian thực hiện tại Việt Nam phải được kiểm định nhằm bảo đảm và duy trì chất lượng đào tạo.
Về học phí, Dự thảo Luật quy định đây là khoản thu mà người học phải nộp cho cơ sở GDĐH để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo. Mức thu học phí được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật theo lộ trình tính đủ chi phí đào tạo theo quy định của pháp luật. Cơ sở GDĐH phải công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và các khoản thu dịch vụ khác cho từng năm học và cho cả khoá học cùng với thông báo tuyển sinh; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí vào quỹ hỗ trợ sinh viên để hỗ trợ người học có khó khăn về tài chính.
Về phát triển hệ thống đại học tư thục, Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng làm rõ các khái niệm về trường tư thục, trường tư thục không vì lợi nhuận; quy định Nhà nước có chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển các cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Dự thảo Luật cũng hướng đến việc quy định rõ mô hình và cơ chế tài chính của cơ sở GDĐH tư thục vận dụng theo mô hình doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo tính đặc thù của GDĐH và không thương mại hoá. Theo đó, quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của nhà đầu tư thành lập cơ sở GDĐH tư thục và mối liên quan với HĐT tư thục; yêu cầu các cơ sở GDĐH tư thục phải trích tối thiểu 25% chênh lệch thu chi để tái đầu tư cho hoạt động giáo dục.