Câu chuyện kinh phí còn cần đặt dưới nhiều góc độ để đi đến quyết định chung nhưng hơn bao giờ hết, việc chấn hưng văn hóa đã trở nên cấp thiết, nhất là khi thẳng thắn nhìn nhận vào những tồn tại biểu hiện thời gian qua.
Chưa kịp hết ngao ngán vì quá nhiều cuộc thi nhan sắc thì dư luận hiện tại lại thêm bức xúc trước những phát ngôn của người đẹp. Hay câu chuyện “giang hồ mạng” vẫn tồn tại, thậm chí “lộng hành” hơn xưa mà cụ thể là ngang nhiên xuất hiện, nhảy múa trong một trường học tại tỉnh Yên Bái vào cuối tháng 9 vừa qua. Điểm qua vài sự việc gần nhất để thấy, hơn bao giờ hết, việc chấn hưng văn hóa là vấn đề cần ngay trước mắt, những biểu hiện lệch lạc phải được đẩy lùi thì sức mạnh nội sinh của dân tộc mới thực sự phát huy.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam toàn diện: Đảng ta khẳng định, con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; đồng thời phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới... Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế…
Có thể thấy, dù phát triển đến đâu thì con người vẫn là nhân tố quan trọng nhất. Việc chấn hưng văn hóa, nói xa để thấy chuyện gần chính là xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam trong thời hiện đại. Quá trình giao lưu, hội nhập đã và sẽ làm mai một dần một số giá trị văn hóa dân tộc và xác lập một số giá trị mới. Trong sự tiếp biến, giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế, các chuẩn mực hành vi, những giá trị xã hội có thể bị xáo trộn. Vậy đâu là bản sắc, là chuẩn mực con người Việt Nam? Trả lời được câu hỏi trên chính là yếu tố then chốt để chúng ta định danh chính mình trên trường quốc tế.
Văn hóa chính là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước |
Trong tiến trình phát triển và hội nhập, mỗi quốc gia đều dựa vào nền tảng vật chất và nền tảng tinh thần để phát triển, trong đó văn hóa chính là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Để hội nhập, tiếp thu được tinh hoa văn hóa của nhân loại, mỗi quốc gia, cộng đồng hoặc cá nhân cần phải trang bị nền tảng tinh thần, đó chính là nền tảng văn hóa, chuẩn mực cần thiết để hòa nhập mà không bị hòa tan. Đó cũng sẽ là nền tảng làm cơ sở để tiếp nhận những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Nếu thiếu hệ giá trị, chuẩn mực của con người thì khi hội nhập chỉ tiếp thu cái xấu, cái thô, những điều không phù hợp với văn hóa của đất nước.
Trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa quá nhanh, con người nếu chỉ chú trọng đến mưu sinh, làm giàu sẽ dẫn đến sự mất cân bằng về văn hóa. Đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận thẳng thắn vào vấn đề chấn hưng văn hóa, cụ thể chính là việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam sao cho phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam chính là sự kết tinh tất cả những gì tốt đẹp nhất qua dòng chảy lịch sử của dân tộc để làm nên bản sắc riêng, được truyền lại cho các thế hệ sau và theo thời gian sẽ được bổ sung các giá trị mới. Việc kế thừa giá trị truyền thống trong xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là tất yếu khách quan, đáp ứng yêu cầu đặt ra của tiến trình hội nhập quốc tế và yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
Soi lại chính mình để ngẫm về chính chúng ta, về chuẩn mực con người Việt Nam để mỗi cá nhân tự phản chiếu về mình, làm nền tảng giúp mỗi người phát triển và tự hào những giá trị cội nguồn. Khi đó, sức mạnh văn hóa - sức mạnh nội sinh của dân tộc tự khắc phát huy giá trị tốt đẹp, mỗi thế hệ có tiếng nói của riêng mình để bài trừ những lệch lạc về văn hóa, hay thiếu chuẩn mực từ những trào lưu ngoại lai, giữ cho mình niềm tự hào bản sắc Việt Nam trên trường quốc tế.