Giữ niềm tin bằng chất lượng

Các nhà sản xuất, bán lẻ đang liên kết ngày càng chặt chẽ để bảo vệ chất lượng hàng hóa, giúp hàng hóa sản xuất ra luôn đảm bảo an toàn, từ đó giữ vững niềm tin của người tiêu dùng (NTD) với hàng Việt.

Hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào để tăng niềm tin cho người tiêu dùng
Hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào để tăng niềm tin cho người tiêu dùng

Bắt tay kiểm soát chất lượng hàng hóa

Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, tại thị trường TPHCM, các sản phẩm hàng Việt ngày càng tạo dựng được chỗ đứng vững chắc và xây dựng được niềm tin với NTD. Cụ thể, ở các hệ thống phân phối lớn như Co.opmart, Co.opXtra, Satra mart, Lotte mart, Emart… hàng Việt hiện chiếm tỷ lên trên 90% với mẫu mã, chất lượng ngày càng cải tiến.

Đáng chú ý, theo ghi nhận từ hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, thời gian qua, những thương hiệu Việt như Vinamilk, DaLat Milk, TH true Milk, nước dừa Coco Fresh, dầu ăn Tường An, tương ớt/cà Cholimex, nước chấm Nam Dương, xá xị Chương Dương, mì Vifon, nước mắm Thuận Phát, yến mạch Xuân An, nước giặt và nước rửa chén Lix, các sản phẩm hàng nhãn riêng Co.op… chiếm tỷ trọng cao trong giỏ hàng của NTD khi mua sắm tại hệ thống này. Điều này cho thấy, hàng Việt với sự cải tiến liên tục về mẫu mã, chất lượng, có giá cạnh tranh đã và đang có chỗ đứng vững chắc trong lòng NTD Việt.

Tuy nhiên, trong chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, bên cạnh những sản phẩm của người Việt sản xuất có chất lượng tốt, xuất khẩu đi nhiều nước, vẫn còn một số cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa kém chất lượng, lừa dối NTD. Do đó, ông Phương cho rằng, cần có chế tài chặt chẽ để nâng cao trách nhiệm của nhà cung cấp và những thỏa thuận, cam kết giữa nhà cung cấp sẽ bước đầu đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất hàng hóa để giữ niềm tin cho hàng Việt.

Với mong muốn đó, tại Hội nghị kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam vào tháng 3 vừa qua, 6 nhà phân phối lớn của TPHCM đã ký cam kết hành động kiểm soát chất lượng hàng hóa, ngăn chặn thực phẩm không an toàn trên địa bàn (gọi tắt là Tick xanh trách nhiệm). Đến nay, sau 6 tháng triển khai đã có nhiều nhà phân phối tham gia chương trình. Điều đáng mừng hơn cả, ngoài hệ thống các nhà bán lẻ cũng đang có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rất quan tâm và đang tìm hiểu về chương trình.

Cam kết loại bỏ sản phẩm không an toàn

Là nhà bán lẻ tham gia tích cực với 3 nhóm sản phẩm thí điểm là trái cây, rau củ quả và thịt, bà Võ Thị Bích Thủy, Phó giám đốc phòng Quản lý chất lượng Saigon Co.op, cho biết, đơn vị đã thiết lập quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, từ vùng nguyên liệu, sản xuất ở nhà máy đến quá trình lưu thông sản phẩm trong hệ thống. Saigon Co.op cũng ký kết với 23 nhà cung cấp, đồng thời vận động thêm nhiều nhà cung cấp tìm hiểu, tham gia chương trình.

Gần đây nhất, ngày 24-9, Saigon Co.op đã ký kết biên bản ghi nhớ với 17 nhà cung cấp vùng nguyên liệu đến từ 6 tỉnh, thành gồm: TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Tiền Giang để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, chuẩn hóa các tiêu chuẩn chất lượng. Đây là những đối tác kinh doanh, sản xuất và canh tác các mặt hàng nông sản Việt như bưởi da xanh, xoài, chuối, dưa lưới, thanh long, bắp cải trắng, cà chua, cà rốt, rau xà lách, dưa leo…

Thông tin thêm về chương trình, bà Thủy cho hay, quá trình quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm Saigon Co.op dự kiến kéo dài đến hết năm 2025. Qua đó, Saigon Co.op sẽ tăng cường các biện pháp kỹ thuật (đánh giá cảm quan, xét nghiệm, kiểm dịch…) để phát hiện sản phẩm không an toàn định kỳ hoặc bất thường từ giai đoạn sản xuất đến vận chuyển, nhập hàng. Theo đại diện Saigon Co.op, với những sản phẩm của nhà cung cấp đã tham gia ký kết phải giữ đúng cam kết về chất lượng. Trường hợp Saigon Co.op hoặc các hệ thống phân phối phát hiện sản phẩm không đạt chất lượng sẽ lập tức kiểm tra; tạm dừng nhập, phân phối, kinh doanh sản phẩm đó... Cụ thể, trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện và đủ thông tin về sản phẩm không an toàn, bên phát hiện gửi thông tin cho Sở Công thương, cơ quan này sẽ thông tin đến hệ thống phân phối khác về tên nhà cung cấp, thông tin sản phẩm... Khi nhận được thông tin về sản phẩm không an toàn, các siêu thị phải lập tức kiểm tra và ngăn chặn sản phẩm này vào hệ thống.

Với những tiêu chuẩn khắt khe mà nhà bán lẻ đưa ra, ông Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, khi thị trường có tiêu chí cao hơn thì nhà sản xuất sẽ có những thay đổi phù hợp để thích ứng. Quan trọng hơn, nhà sản xuất phải có trách nhiệm cao hơn thay vì tính toán việc đánh đổi chất lượng với giá cả. Bởi lẽ, nếu chạy theo giá rẻ thì chất lượng không đảm bảo và họ hoàn toàn có thể rủi ro khi bị loại ra khỏi thị trường. “Khi cam kết chất lượng đồng nhất, có thể giá hàng hóa sẽ cao hơn nhưng đáng mừng là các nhà phân phối tham gia chương trình Tick xanh trách nhiệm đều có cam kết hỗ trợ đầu ra và vốn cho nhà sản xuất. Đặc biệt với sự xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi tin tưởng những sản phẩm hàng hóa tham gia chương trình sẽ giúp NTD dễ dàng nhận diện, từ đó loại bỏ sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường”, ông Phương nói.

Tin cùng chuyên mục