Giữ nhịp xuất khẩu tại thị trường châu Âu

Ngày 27-10,  Bộ Công thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tổ chức Diễn đàn thương mại Việt Nam - Châu Âu năm 2021 với chủ đề “EVFTA - Sức bật cho hợp tác thương mại đầu tư trong bối cảnh bình thường mới”. Cuộc họp đã thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu đến từ nhiều tỉnh, thành phố, các tham tán thương mại, doanh nghiệp trong nước và châu Âu tham gia. 

Kim ngạch tăng hơn 13%

Nhìn nhận về thị trường châu Âu, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - liên minh châu Âu (EVFTA) đang mang lại những thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của hai bên. Hiện Việt Nam đã được liên minh châu Âu (EU) xác định là một trong 10 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lớn nhất vào EU. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, dù Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng kim ngạch xuất khẩu hai chiều Việt Nam - EU đã đạt 41,3 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 28 tỷ USD. 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng phát biểu tại diễn đàn trực tuyến “EVFTA - Sức bật cho hợp tác thương mại đầu tư trong bối cảnh bình thường mới” ngày 27-10.
Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đồng thuận về vấn đề này, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, không chỉ là đối tác xuất khẩu, EU còn là đối tác đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam. Chỉ riêng tại TPHCM, tính đến hết tháng 9-2021, tổng số dự án đầu tư của EU tại thành phố là 1.019 với tổng vốn đầu tư đạt 3,56 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, bất chấp tình hình khó khăn, vẫn có 84 doanh nghiệp EU đầu tư với tổng số vốn lên đến hơn 100 triệu USD. 


Hỗ trợ doanh nghiệp giữ nhịp và mở rộng thị phần tại châu Âu là một trong những giải pháp cấp thiết hiện nay của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Cũng theo bà Phan Thị Thắng, với việc tổ chức tiêm vaccine Covid-19 mũi thứ 1 đạt tỷ lệ 98,3% dân số và tiêm mũi thứ 2 đạt tỷ lệ 74% dân số, TPHCM đang từng bước kiểm soát dịch bệnh. Đây là cơ sở để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế. 

Cùng với đó, thành phố đang đẩy mạnh hoạt động hợp tác liên kết vùng giữa thành phố với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu, kết hợp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các giải pháp hỗ trợ  tập trung vào yếu tố then chốt là giúp doanh nghiệp tiếp cận được tối đa lợi thế về ưu đãi thuế suất từ EVFTA. Bà Phan Thị Thắng cho biết thêm, TPHCM đang có nhiều chính sách để thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng trung tâm logistics, phát triển đô thị thông minh, sản xuất sản phẩm công nghệ cao. 

Cập nhật và đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu

Tại diễn đàn, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam cũng thẳng thắn cho biết, qua phản ánh của một số doanh nghiệp tại EU, chất lượng hàng hóa của Việt Nam đang gặp một số hạn chế nhất định khi vào thị trường EU. Phổ biến nhất là chất lượng hàng hóa không ổn định. Nhiều mặt hàng, hàng mẫu và hàng giao sau khi ký hợp đồng rất khác nhau, hoặc chất lượng không đồng đều giữa các lô hàng. Hàng hóa Việt thường không vượt qua được rào cản kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm của EU.

Nguyên nhân đã được nhiều đại biểu phân tích, chủ yếu do doanh nghiệp Việt Nam thu mua nguyên liệu từ nhiều nơi nên chất lượng không đồng đều. Việc quy hoạch và quản lý vùng trồng chưa chặt chẽ nên nhiều nông sản, thủy sản xuất khẩu vẫn tồn dư hoạt chất cấm hoặc thuốc bảo vệ thực vật có hàm lượng cao hơn mức cho phép, không đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm… Hiện các nước như Tây Ban Nha, Áo, Thụy Sĩ và Na Uy đã đưa một số sản phẩm nông, thủy hải sản của Việt Nam vào diện giám sát với mức độ cảnh báo “chưa nghiêm trọng”. Tuy nhiên, những cảnh báo này cần được các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng khắc phục để tránh nguy cơ bị đóng cửa thị trường ở khu vực này. 

Xuất khẩu hàng hóa vào thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao như EU thực sự là cuộc cạnh tranh rất khắc nghiệt. Để giữ nhịp thị trường xuất khẩu tại EU, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham gợi ý, doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục những hạn chế như truy xuất nguồn gốc hàng hóa chưa rõ ràng, thiếu đầu tư về mẫu mã bao bì, nhãn hiệu, chậm bắt nhịp thị hiếu của người tiêu dùng tại nước nhập khẩu… Những tồn tại này đang làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt trên thị trường EU. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chủ động chuyển hướng sản xuất sang sản phẩm xanh, sạch, đạt tiêu chuẩn Global G.A.P, đảm bảo an toàn môi trường. Sản phẩm có thương hiệu gắn kết với quyền sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý. 

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, Phái đoàn EU tại Việt Nam, EuroCham và cơ quan đại diện ngoại giao các nước thành viên Liên minh châu Âu tại Việt Nam nên phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng Việt Nam, hỗ trợ cập nhật thông tin về môi trường kinh doanh tại EU cho doanh nghiệp Việt. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Công thương phối hợp bộ, ngành Trung ương và các cơ quan liên quan của EU nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện chính sách hợp tác theo hướng đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, nhất là thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU.

TPHCM đang tiếp tục thực hiện 2 đề án là phát triển ngành logistics và phát triển xuất khẩu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với đề án phát triển ngành logistics, thành phố sẽ thực hiện liên kết vùng, gắn kết chặt chẽ với các tỉnh thành Đông và Tây Nam bộ. Còn với đề án phát triển xuất khẩu, thành phố sẽ tập trung đầu tư cho dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu. Trong đó, thành phố sẽ đóng vai trò là trung tâm cung cấp dịch vụ xuất khẩu cho các tỉnh, thành phía Nam. Ngoài ra, thành phố đẩy mạnh chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, giúp kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có các doanh nghiệp khối EU để tăng khả năng xuất khẩu tại chỗ.

Tin cùng chuyên mục