Giữ mãi nụ cười cho trẻ

Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có đến vài ngàn trẻ sinh ra mắc phải dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Đây là một trong các dị tật vùng hàm mặt gây ảnh hưởng nhiều tới việc ăn uống, phát âm và thẩm mỹ của trẻ. Việc phẫu thuật các trường hợp trẻ mắc phải dị tật cần thực hiện tại các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình răng hàm mặt với đội ngũ y, bác sĩ có kinh nghiệm chuyên môn.
Giữ mãi nụ cười cho trẻ

Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có đến vài ngàn trẻ sinh ra mắc phải dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Đây là một trong các dị tật vùng hàm mặt gây ảnh hưởng nhiều tới việc ăn uống, phát âm và thẩm mỹ của trẻ. Việc phẫu thuật các trường hợp trẻ mắc phải dị tật cần thực hiện tại các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình răng hàm mặt với đội ngũ y, bác sĩ có kinh nghiệm chuyên môn.

Nhiều nguyên nhân

Đưa cậu con trai đầu lòng hơn 18 tháng tuổi nhưng còi cọc như đứa trẻ chưa đầy năm tới bệnh viện khám vì khuyết tật trên khuôn mặt, chị Lê Thanh Hoa (quê Ninh Bình) buồn rầu kể: “Gia đình em thực sự bất ngờ vì ngay từ lúc sinh ra, cháu đã bị sứt môi. Nhìn khuôn mặt ngây thơ bị dị tật của cháu, ai cũng xót xa. Buồn và lo hơn là dị tật này khiến việc bú mẹ và ăn uống rất khó khăn nên cháu thường xuyên ốm đau, gầy gò…”. Theo các nghiên cứu y tế, tỷ lệ trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch ở nước ta có tỷ lệ khá cao, khoảng 1/500 trẻ sơ sinh và ước tính mỗi năm có gần 3.000 trẻ em sinh ra bị mắc dị tật này.

Bệnh viện Việt Nam - Cuba (Hà Nội) là địa chỉ quen thuộc đối với nhiều gia đình có trẻ nhỏ bị sứt môi, hở hàm ếch. Các bác sĩ ở đây cho biết, dị tật sứt môi, hở hàm ếch là một trong những dị tật vùng mặt thường gặp ở trẻ sơ sinh. Sứt môi là dị tật bẩm sinh khi trẻ sinh ra có một khe hở ở một bên hay cả hai bên đường giữa môi trên. Hở hàm ếch là khe hở giữa vòm miệng và khoang mũi. Tùy theo từng trẻ mà có thể hở cả bộ phận trước và bộ phận phía sau của vòm miệng hay chỉ bị hở một phần. Có 3 dạng khác nhau của dị tật này: sứt môi mà không bị hở hàm ếch; hở hàm ếch mà không sứt môi; sứt môi và hở hàm ếch. 

Một trường hợp trước và sau khi phẫu thuật dị tật sứt môi, hở hàm ếch.

Đáng chú ý, dị tật sứt môi, hở hàm ếch có thể xuất hiện từ khi bà mẹ mang thai đứa trẻ được 3 - 4 tháng. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, BV Việt Nam - Cuba, các nghiên cứu khoa học đã giúp làm rõ nhiều nguyên nhân dẫn tới dị tật này. Trong đó đáng lưu ý, đối với phụ nữ khi mang thai bị thiếu dinh dưỡng, vitamin, acid folic, sử dụng thuốc tùy tiện, đặc biệt nếu bị cảm cúm hay Rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ là những yếu tố khiến đứa trẻ dễ mắc phải dị tật nói trên. Ngoài ra, các yếu tố như gien di truyền trong gia đình, môi trường sống bị ô nhiễm hay nhiễm hóa chất độc hại, chất độc da cam cũng khiến trẻ có nguy cơ mắc dị tật này rất cao.

Phòng ngừa và điều trị

Dị tật sứt môi, hở hàm ếch sẽ khiến khuôn mặt của trẻ bị biến dạng, ảnh hưởng tới thẩm mỹ cũng như quá trình ăn uống và phát âm của trẻ. Đáng lo ngại hơn, trẻ mắc dị tật này thường bị viêm đường hô hấp trên, viêm mũi họng, ho, sốt, sổ mũi, thiếu cân, suy dinh dưỡng… cao hơn nhiều so với những trẻ khác do việc ăn uống, bú mẹ gặp khó khăn. Mặc dù dị tật này không ảnh hưởng đến hệ thần kinh, bộ não của trẻ vẫn phát triển bình thường nhưng khi lớn lên, trẻ có thể mặc cảm, thiếu tự tin vì khiếm khuyết trên gương mặt của mình.

Phẫu thuật dị tật sứt môi, hở hàm ếch cần được thực hiệntại những cơ sở y tế chuyên khoa.

Theo nhiều chuyên gia y tế, có thể phòng tránh được dị tật của con nếu phụ nữ khi mang thai được chuẩn bị tốt về mặt sức khỏe thể chất và tinh thần, khám thai định kỳ, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Nên giữ gìn sức khỏe đặc biệt trong 3 tháng đầu vì đây là giai đoạn thai nhi đang phát triển các cấu trúc vùng hàm mặt.

Đồng thời trong suốt quá trình mang thai, bà mẹ cần có chế độ dinh dưỡng nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress, hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm hoặc hóa chất nguy hại, không nên sử dụng các chất kích thích (như rượu, bia, thuốc lá), đặc biệt tránh việc sử dụng thuốc mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
 
Trong trường hợp trẻ sinh ra bị sứt môi, hở hàm ếch, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng vì hiện nay, hầu hết những trường hợp này đều có thể chữa được bằng việc phẫu thuật sớm, thậm chí ngay từ khi trẻ mới 3 tháng tuổi, nếu điều kiện sức khỏe cho phép. Việc phẫu thuật đạt hiệu quả không chỉ giúp trẻ nói, cười bình thường mà còn tạo hình thẩm mỹ cho khuôn mặt trẻ.

Đối với trẻ hở môi, từ 6 tháng tuổi và cân nặng 6kg trở lên đã có thể tiến hành phẫu thuật. Trẻ hở hàm ếch thì nên từ 12 tháng tuổi và cân nặng tối thiểu 10kg. Sau khi phẫu thuật, phụ huynh và người nhà bệnh nhi sẽ được các bác sĩ hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc vết thương, tư thế nằm để không ảnh hưởng đến vết mổ, cho trẻ ăn uống các thức ăn mềm lỏng, tránh để trẻ khóc lớn quá nhiều làm bung chỉ vết mổ.

Hơn nữa, việc chỉnh hình sứt môi, hở hàm ếch cần có một quá trình lâu dài, nên sau khi được phẫu thuật điều trị, trẻ phải thường xuyên tái khám, theo dõi cho đến khi 18 tuổi để bác sĩ chỉnh sửa nhằm hoàn chỉnh cấu trúc giải phẫu, cấu trúc hàm ếch và chức năng phát âm.
 
Tuy nhiên, các chuyên gia về răng hàm mặt cũng khuyến cáo khi đưa trẻ đi phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ tới những bệnh viện có chuyên khoa răng hàm mặt và phẫu thuật tạo hình để điều trị vì đây là một phẫu thuật lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Quá trình phẫu thuật đòi hỏi đơn vị y tế phải đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc đồng bộ và đặc biệt là tay nghề cao, kinh nghiệm chuyên sâu của y, bác sĩ trong quá trình gây mê và thực hiện phẫu thuật để tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra.


TRUNG KIÊN

Tin cùng chuyên mục