1. Dễ đến gần 10 năm, tôi mới gặp lại những người bạn, đồng nghiệp một thời thân thiết sau cái hẹn chớp nhoáng trên Facebook. Câu chuyện trà dư, tửu hậu cuối cùng cũng xoay về chủ đề gia đình, bởi giờ ai cũng đã làm bố, làm mẹ với tổ ấm riêng của mình. Thôi thì đủ thứ chuyện được kể ra, nào là nuôi dạy con thế nào, theo phương pháp gì, định hướng tương lai…
Bỗng anh bạn tôi trầm ngâm rồi nói một câu đầy thấm thía: “Vợ chồng đừng tính chuyện đâu xa, quan trọng nhất có còn nói chuyện và chia sẻ với nhau được hay không?”. Và tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng, việc giữ lửa hôn nhân không cần phải sách vở, máy móc, hay bắt đầu từ những gì quá to tát.
Như câu chuyện lần đầu được chia sẻ từ chính anh bạn này khi họ có con ngoài ý muốn, vì cả hai vẫn mải mê rong chơi. Hai năm đầu tiên, với vợ chồng anh bạn là quãng thời gian vô cùng khó khăn.
Anh nói, nếu không có những cuộc nói chuyện để giải tỏa tâm lý cho nhau, việc có con đã trở thành gánh nặng, thay vì niềm vui được làm cha mẹ. Dần dà, mọi thứ liên quan đến con đều được đưa ra chia sẻ, bàn bạc, giúp cả hai thêm hiểu về một nửa của mình, để thấy tôn trọng, cảm thông và dễ tha thứ cho nhau hơn.
Nhắc đến đây, tôi lại nhớ câu chuyện về một người bạn đồng trang lứa khác của mình. Sau bao năm bôn ba khắp nơi với vài mảnh tình vắt vai, có lúc ngỡ như đã cập bến bằng một đám cưới, nhưng rồi mọi thứ lại rơi khỏi tầm tay. Cuối cùng, cô chọn kết hôn với anh hàng xóm trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người. Giữa hai người có quá nhiều khác biệt về nghề nghiệp, tính cách, học vấn…, tưởng chừng không thể dung hòa. Nhưng hai mảnh ghép đối lập ấy lại là sự bù trừ, bắt đầu từ sự thấu hiểu và sẻ chia.
Bạn kể, ngay cả khi đã có với nhau 2 mặt con, không ít đêm hai vợ chồng vẫn ngồi pha trà, uống nước tâm sự đến sáng. Thôi thì đủ thứ chuyện trên đời, từ chuyện nhà mình đến chuyện hàng xóm và cả chuyện thế giới. Những lần nói chuyện như thế, từ khi mới bắt đầu về sống chung, là cuộc khám phá nội tâm một nửa kia để họ dần chấp nhận cả những thói hư, tật xấu của nhau.
Và, cũng từ đó, họ tìm thấy sợi dây đồng cảm. Nếu không có những cuộc nói chuyện như thế, bạn tôi kể sẽ khó lòng vượt qua được những lúc tủi thân khi chồng phải xa nhà cả tháng trời, một mình vừa bầu bí vừa chăm sóc con gái lớn. Đối thoại giúp họ xoa dịu, chữa lành và bù trừ cho nhau.
2. Gõ cụm từ “giữ lửa hôn nhân” trên Google sẽ cho ra hàng triệu kết quả với đủ các lời khuyên, tư vấn từ các chuyên gia, câu chuyện người thật - việc thật ngoài đời. Nào là phải tạo không gian riêng tư cho nhau, chấp nhận những ưu - khuyết điểm của đối phương, nói cảm ơn, im lặng đúng lúc, chia sẻ với nhau những lúc thăng trầm… Lý thuyết luôn có hàng vạn ngôn từ hoa mỹ, nhưng “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Có những thứ khi áp dụng với gia đình này sẽ đúng, nhưng với gia đình khác có khi lại phản tác dụng. Và nhiều khi, lý thuyết cũng chỉ là lý thuyết.
Khi bước vào đời sống hôn nhân cũng đồng nghĩa bạn chấp nhận bước sang trang mới cuộc đời khi có một “người lạ” hiện diện mỗi ngày trong cuộc sống của bạn. Nó hoàn toàn khác mối quan hệ với đồng nghiệp mỗi ngày nơi công sở, hay thỉnh thoảng ngồi tán gẫu với bạn bè. Có một điều bất di bất dịch, nếu trong gia đình lúc nào cũng chỉ là sự lặng im, người nói không được hồi đáp và giao tiếp lại, lửa gia đình sẽ theo đó dần nguội lạnh.
Đối thoại là cách chúng ta tìm thấy phần bạn bè trong một nửa của mình để có thể chia sẻ dễ dàng với nhau. Dễ thấy có nhiều bí mật chỉ chia sẻ được với bạn thân, chứ không phải với vợ hay chồng. Vậy nên, dù là vợ chồng nhưng ở khía cạnh nào đó, trước hết hãy coi nhau là bạn bè để chia sẻ được với nhau nhiều hơn.
Trò chuyện, ai cũng thấy đó là cách đơn giản nhất để hiểu nhau, tìm được tiếng nói chung trong gia đình. Đôi khi những đổ vỡ không xuất phát từ những nguyên nhân lớn lao mà từ những thứ tiểu tiết. Càng để lâu dần, nó càng tích tụ và không được hóa giải nếu không được nói ra.
Những câu chuyện bên mâm cơm là cơ hội để sẻ chia và trút bớt những gánh nặng nhọc nhằn trong cuộc sống. Đối thoại trước khi ngủ sẽ khiến những cuộc tâm tình càng dễ thổ lộ những điều sâu kín hơn. Hay trong những chuyến du lịch, những cuộc đối thoại rất dễ để gợi về những kỷ niệm đẹp, những dự định tương lai… giúp gắn kết nhau hơn.
Đối thoại gồm cả lắng nghe và chia sẻ trên tinh thần tôn trọng bạn đời, kiểm soát cái tôi cá nhân sẽ luôn khiến sợi dây đồng cảm vợ chồng thêm bền chặt.
Có nhiều người cho rằng, tại sao ra bên ngoài chúng ta luôn niềm nở với tất cả mọi người, nhưng khi về nhà lại mang sự bực dọc, cáu bẳn, khó chịu với bạn đời của mình? Phải chăng, chỉ khi về nhà, ta mới được là chính mình để cởi bỏ lớp mặt nạ và được sống thành thật nhất? |