Khách đến nhà bà Nguyễn Thị Bích Hường (65 tuổi, ngụ phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM) vào buổi tối thường bắt gặp hình ảnh bà Hường cùng cô con gái vừa nấu ăn trong bếp, vừa trò chuyện vui vẻ.
Ngoài phòng khách, ông Lê Chơn (chồng bà Hường) dạy 2 cháu ngoại các bài tập khó trên lớp học. Sự gắn kết các thành viên 3 thế hệ trong gia đình bà Hường bắt đầu từ những điều đơn giản ấy. Nhưng để duy trì được việc đó trong nhiều năm, theo bà Hường, phải xuất phát từ tình yêu thương và trách nhiệm của mỗi thành viên.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường dạy cháu ngoại làm bánh Tam đại đồng đường
Trong lúc nấu ăn, bà Hường có thời gian hỏi thăm con gái chuyện công việc để kịp thời động viên, góp ý. Chị Lê Thùy Trang, con gái của bà Hường, dù đã lấy chồng được 16 năm, nhưng vẫn luôn muốn được cùng mẹ nấu ăn, bởi khi ấy, chị được học các “tuyệt chiêu” nấu ăn ngon của mẹ. Mà trên hết, chị muốn được cùng mẹ chăm sóc các thành viên trong gia đình thông qua những món ăn dinh dưỡng đầy tình yêu thương. Thỉnh thoảng, cháu ngoại bà Hường (12 tuổi) chạy vào phụ mẹ và bà ngoại nấu ăn. Tiếng cười của những người phụ nữ vọng ra từ gian bếp giúp căn nhà thêm ấm áp.
“Trong quan niệm truyền thống của người Việt Nam, bữa cơm gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp giữ gìn các giá trị văn hóa cũng như gắn kết tình cảm của các thành viên trong gia đình. Ngày nay, khi mọi người luôn tất bật với công việc và nhà hàng, quán ăn, cũng như các ứng dụng gọi thức ăn nhanh có quá nhiều, bữa cơm gia đình dường như đang mờ nhạt dần. Tôi sợ những điều ấy ảnh hưởng đến sự gắn kết các thành viên trong gia đình nên dù tất bật đến đâu, đại gia đình chúng tôi đều quây quần cùng nhau bên mâm cơm mỗi buổi tối”, bà Hường chia sẻ.
Để 3 thế hệ cùng chung sống hòa thuận suốt 16 năm qua, bà Hường nói rằng mình may mắn khi chồng và các con luôn nhẹ nhàng nhắc nhở, động viên nhau mỗi khi ai đó có lỗi lầm. Nhờ đó, hàng xóm chưa từng nghe gia đình bà Hường xảy ra xích mích hay cãi nhau lớn tiếng. “Vào các dịp đặc biệt, chúng tôi thường ra ngoài ăn cùng nhau để chúc mừng. Khi địa phương tổ chức các phong trào thi nấu ăn, hát karaoke thì cả nhà lại cùng đăng ký tham gia. Tôi nghĩ đó cũng là cách uốn nắn, dạy bảo, nhắc nhở con cháu biết yêu quý, trân trọng, đồng cảm cùng nhau”, bà Hường bày tỏ.
Lan tỏa yêu thương ra cộng đồng
Không chỉ gương mẫu trong gia đình, với vai trò Chi hội trưởng phụ nữ khu phố 2 phường 13, bà Hường luôn quan tâm đến những phụ nữ khó khăn trong khu phố. Những khi xong việc gia đình, bà lại đến thăm hỏi các cụ già neo đơn, gặp gỡ chị em phụ nữ nghe tâm tư, nguyện vọng, rồi lại đi vận động nơi này, nơi kia và cùng chồng trích lương hưu để chăm lo những hoàn cảnh khó khăn. Cũng nhờ gần gũi chị em, nên khi có các phong trào từ phường, quận đưa về, tiếng nói của bà Hường trong vận động phụ nữ và người dân tham gia lại thêm có giá trị.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường nhiều năm liền được tuyên dương “Gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cấp phường và quận; gương “Người tốt việc tốt”, gương điển hình “Dân vận khéo”. Riêng Ngày Gia đình Việt Nam năm 2020, gia đình bà Hường vinh dự là một trong 6 gia đình được nhận bằng khen của UBND TPHCM với danh hiệu “Gia đình văn hóa - hạnh phúc tiêu biểu”. |
Trong con hẻm nhỏ nơi gia đình bà Hường sinh sống, hai bên đường luôn sạch sẽ, rác được để gọn gàng trong các thùng đựng. Để vận động người dân giữ gìn vệ sinh theo Chỉ thị 19 của Thành ủy, bản thân bà Hường và các thành viên trong gia đình đã đi đầu thực hiện. Mỗi sáng khi quét sân nhà mình, thấy nhà bên cạnh còn rác, bà lại tiện tay dọn giúp. Lâu dần, việc làm này đã gieo ý thức cho mọi người. Rồi những ngày thứ bảy tổng vệ sinh đường phố, trồng thêm cây xanh, cả đại gia đình 3 thế hệ của bà Hường lại hăng hái tham gia cùng người dân trong khu phố. Thấy ba mẹ tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện, con gái và con rể của bà Hường cũng chung tay đóng góp. Vợ chồng bà tuy về hưu nhưng luôn cùng hai con tham gia đóng góp mỗi năm gần 75 triệu đồng để chăm lo 200 suất quà cho hộ thuộc diện cận nghèo, khó khăn, khuyết tật. Hay thấy đèn đường hư, ông Chơn lại chủ động rủ vài ông bạn hưu trí, thanh niên cùng tham gia sửa chữa.
“Bác Hồ là người sống giản dị, tiết kiệm và luôn quan tâm người dân khó khăn. Tôi chỉ biết học Bác những điều nhỏ nhoi ấy để sống cần kiệm và chia sẻ với người khó khăn hơn mình. Điều tôi vui và hạnh phúc chính là các con và cháu tôi dù còn nhỏ nhưng đã biết quan tâm đến những người xung quanh”, bà Hường mỉm cười hạnh phúc.
THÁI PHƯƠNG