Khi lời hứa không là giao kèo tin cậy
Mùa hè của năm học lớp 4, Việt Anh hứa với mẹ mỗi ngày chỉ chơi điện thoại di động 30 phút, tập trung học tập để kết quả học tập tốt. Mỗi khi nản lòng hoặc trước sức hấp dẫn của chiếc điện thoại, Việt Anh lại nhớ đến lời hứa của ba mẹ rằng, cậu sẽ có 1 tháng nghỉ hè trọn vẹn ở quê nội, tha hồ câu cá, thả diều. Cả năm học lớp 5, Việt Anh miệt mài học tập. Ngày họp phụ huynh, ba mẹ Việt Anh vui mừng khi cậu con trai từ học sinh xếp hạng 20 nay đã nằm trong tốp 5 của lớp.
Niềm vui của ba mẹ thì trọn vẹn nhưng Việt Anh lại hụt hẫng khi kỳ nghỉ mà cậu mong đợi cả năm được quy đổi từ 1 tháng xuống còn đúng 3 ngày. Lý do ba mẹ đưa ra nào là ba mẹ bận, nào là năm tới vào đầu cấp 2, phải nỗ lực rèn luyện từ đầu hè thì mới mong giữ được thành tích học tập tốt...
Bởi vậy mà khi mẹ động viên Việt Anh cố gắng học giỏi và hứa sẽ tặng cho Việt Anh một chiếc máy tính để tiện học tập, cậu vùng vằng tỏ ý không còn tin lời mẹ. “Mẹ hứa với con nhiều lần và lần nào cũng thất hứa”. Thấy chúng tôi hỏi thăm, Việt Anh phụng phịu còn chị Hoài chỉ biết xin lỗi con và gượng cười với người xung quanh.
“Tụi nhỏ mải chơi nên mau quên lắm, mình cứ hứa vậy, làm được đến đâu còn do hoàn cảnh. Trao quyền cho con nít quá sẽ sinh hư”, anh Phạm Văn Quyết (ngụ quận 1 TPHCM) nêu quan điểm.
Song, quan điểm của anh Quyết có vẻ gượng ép, bởi lời hứa như sự giao kèo, lời hứa của cha mẹ với con cái cũng là cuộc thỏa thuận có qua có lại, con ngoan cha mẹ khen hay thưởng là lẽ dĩ nhiên. Phải chăng vì cái quyền của người lớn nên bất kể chuyện gì, từ nhỏ xíu như cái móng tay đến lớn như lên trời hái sao hay xuống bể mò kim, cha mẹ cũng vô tư hứa, miễn sao con cái chịu làm theo ý của mình. Khi lời hứa không được thực hiện, dù là chủ quan hay khách quan, ba mẹ chỉ cần nói bận hoặc đưa đại một lý do nào đó và tiếp tục điệp khúc hứa hẹn, coi như xong.
Hình thành tính cách xấu
Theo Thạc sĩ tâm lý Vũ Hồng Nhung, con trẻ như tờ giấy trắng, bởi vậy mà chúng có trí nhớ tuyệt vời về những gì cha mẹ hứa hẹn. Có thể, lời hứa kiểu cửa miệng để dỗ dành như “chiều mẹ đón sớm” mỗi sáng đưa con đi học, hay “học ngoan, cuối tuần ba cho đi sở thú”… nhiều phụ huynh sẽ quên ngay sau đó.
Song, với con trẻ, nó như động lực để chúng hoàn thành giao hẹn với cha mẹ và háo hức chờ đợi lời hứa được thực hiện. Bởi vậy, khi cha mẹ thất hứa vì một lý do nào đó, nó không chỉ dừng lại ở những nhõng nhẽo, phụng phịu của con mà lâu dần, nó sẽ hình thành tính cách không tin tưởng vào người khác và bản thân chúng cũng không trân trọng lời hứa.
Chị Nguyễn Ngọc Nga (ngụ quận 9) kể, cách đây 2 năm, Đại - con trai chị, khi ấy học lớp 7, liên tục bị các bạn tẩy chay. Một thời gian dài, Đại đi học không có bạn. Ngày họp phụ huynh, chị bất ngờ khi bạn bè con gọi con là “thằng hứa lèo” và gần như Đại không có phản ứng gì. Sau đó, tâm sự với con, chị mới biết vì con hay hứa với các bạn, nào là sẽ mua đồ ăn cho các bạn ăn chung, hứa đem máy bay điều khiển từ xa tới cho các bạn cùng chơi… nhưng lần nào Đại cũng thất hứa.
“Nghe cháu bảo: Cũng tại ba mẹ hay hứa mua cho con rồi không mua; con hứa với các bạn nhưng không có thì đành nghe tụi nó chửi, rồi cũng thấy bình thường, mà tôi vô cùng ân hận. Con trai tôi bị mất lòng tin với bạn bè nhưng sợ nhất nó chai lỳ với lòng tin, không còn tôn trọng lời hứa”, chị Nga tâm sự.
Lý do để bao biện cho những lần thất hứa của phụ huynh không thiếu, thậm chí là rất chính đáng. Song, nếu cha mẹ không giữ uy tín để làm gương cho con cái thì những lời hứa suông đó sẽ ngấm dần và ảnh hưởng lớn đến tính cách của con trẻ sau này. Một xã hội hiện đại, mỗi lời nói ra đều có giá trị nhất định thì liệu rằng, với những người thiếu trân trọng lời hứa, không đủ uy tín với người xung quanh, có đủ sức để tiến xa?.