Tâm huyết làm trà
Sinh ra trong gia đình có nhiều thế hệ làm trà sen Tây Hồ truyền thống, ông Ngô Văn Xiêm (sinh năm 1948) là một nghệ nhân làm trà sen nổi tiếng bậc nhất Tây Hồ. Với 4ha đầm sen bách diệp, mỗi ngày, từ 4 giờ sáng, gia đình ông Xiêm thu hoạch được khoảng 2.000-2.500 bông sen đầu mùa, đến chính vụ sẽ thu được khoảng 10.000 bông. Sen được chọn để làm trà là những bông chớm nở, khi đó bông sen đang ở độ thơm nhất. Chính vì thế, quá trình thu hoạch, khâu bóc tách gạo sen phải thật nhanh tay để giữ hương thơm khi ướp trà.
Với gia đình nghệ nhân trà Hiền Xiêm, gạo sen được tách từ 1.500 bông sen bách diệp Tây Hồ với 7 lần ướp vào chè trong 21 ngày ở mức 30oC mới cho ra một cân trà sen truyền thống chuẩn vị. “Nếu chỉ ướp 4-5 lượt thì trà sánh nhưng không thể thơm bằng ướp 7 lượt, đây là một trong những bí quyết của gia đình”, ông Xiêm chia sẻ. Gạo sen ướp vào chè, sau 3 ngày ủ sấy lại, sàng bỏ gạo cũ rồi cho gạo mới vào, cứ lặp lại quy trình này 7 lần kết hợp với bí quyết gia truyền sẽ cho ra thành phẩm có giá bán từ 9-10 triệu đồng/kg trà sen. Ngoài ra, gia đình ông Xiêm còn làm trà bông sen với số lượng ít, tập trung chủ yếu vào ướp trà sen truyền thống. Giá mỗi bông trà sen dao động 50.000-70.000 đồng.
Đầu vụ, nghệ nhân này ướp được khoảng 10kg trà/ngày, sau 21 ngày mới cho ra thành phẩm để đóng gói. Theo ông Xiêm, chi phí để làm trà đắt đỏ, nếu cắt xén nguyên liệu, bỏ qua công đoạn dù nhỏ nhất thì sẽ mất thương hiệu, bởi “phải làm bằng cái tâm thì trà mới thơm ngon được”. Cho đến nay, trà sen Hiền Xiêm đã được xếp hạng đạt chuẩn OCOP 4 sao; là đơn vị được các cấp lãnh đạo tin tưởng sử dụng trà để tiếp các đối tác quan trọng, quan chức cấp cao trong và ngoài nước.
Nỗi lo giữ nghề cho thế hệ trẻ
Nhiều thay đổi, thách thức với nghề ướp trà sen Tây Hồ truyền thống bởi hoa sen bách diệp đạt chuẩn không còn nhiều. Sen cần sống trong môi trường nước sạch, tình trạng ô nhiễm, biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa như hiện nay đã khiến khu vực trồng sen bị ảnh hưởng. Theo ông Xiêm, năm nay, sen bách diệp ít hơn năm ngoái, ước tính phải mua thêm 10.000 bông mới đủ để bán đến tết. Hiện nay, quanh Hà Nội có rất nhiều người làm bông trà sen, nhưng chỉ còn rất ít nhà giữ được nghề ướp trà sen Tây Hồ truyền thống bởi sự cầu kỳ trong quy trình làm, sự vất vả và chi phí đắt đỏ.
Hoa sen chỉ có từ tháng 4 đến hết tháng 7 (âm lịch), nếu không làm nhanh sẽ rất ít trà để bán. Lưu giữ nghề truyền thống của gia đình, các con, các cháu nhà ông Xiêm đi làm thời vụ trong khoảng thời gian nông nhàn, mong ngóng mùa sen về. “Tôi đặc biệt chú trọng việc dạy và truyền nghề cho các thế hệ trong gia đình. Các con, các cháu tôi được hướng dẫn làm ngay từ bé. Mỗi vụ sen về, các thế hệ trong gia đình lại tập trung đông đủ để cùng làm trà sen”, ông Xiêm nói.
Là con dâu trưởng trong gia đình có nghề làm trà sen Tây Hồ truyền thống, chị Đinh Thị Hiền cho biết, để tiếp nối nghề gia truyền, chị cần cố gắng rất nhiều, nhất là phải có đam mê, chịu khó học hỏi và chịu vất vả vì việc xử lý sen không hề đơn giản và nhẹ nhàng như mọi người vẫn thấy khi bóc tách sen. Để hướng dẫn các con mình theo nghề của ông bà, ngay khi các con còn bé, chị Hiền cho bọn trẻ ngồi bên khi bóc tách cánh sen để tụi nhỏ cảm thấy yêu thích, tò mò học hỏi, ngấm dần theo năm tháng và hy vọng sẽ là đam mê của chúng.
Ông Xiêm chia sẻ thêm: “Mùa làm trà sen vào chính hè, để giữ được hương thơm của sen, trong quá trình làm, nhất là khâu bóc tách cánh sen, gạo sen tuyệt đối không được ngồi quạt gió, điều hòa. Trong khi, thế hệ trẻ bây giờ ít đứa chịu được nắng nóng. Cái nghề này rất đẹp đẽ nhưng để theo được thì phải rất yêu nghề”.
Năm nay, Hà Nội lần đầu tiên tổ chức lễ hội sen với nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, tôn vinh nghề trồng sen và các sản phẩm từ sen. Sự quan tâm của các cấp chính quyền hy vọng sẽ mang đến sự khởi sắc, bước tiến mới của nghề ướp trà sen Tây Hồ truyền thống.