Theo đó, hai nhịp cầu trong đó có một nhịp cầu quay và một tháp canh phía quận Thủ Đức sẽ được giữ nguyên trạng phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch. UBND TPHCM sẽ tự bố trí nguồn kinh phí để thực hiện bảo tồn, đồng thời phân cấp cho Sở GTVT TPHCM quản lý, duy tu, bảo dưỡng và vận hành khai thác. Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) cho biết, dự kiến trong tháng 9-2019, sau khi thông tàu đường sắt Bắc- Nam chạy qua cầu sắt Bình Lợi mới, chủ đầu tư dự án sẽ thực hiện tháo dỡ cầu sắt Bình Lợi cũ để tạo thuận lợi cho tàu, sà lan lưu thông trên sông Sài Gòn từ TPHCM đến tỉnh Bình Dương. Sau khi tháo dỡ cầu, vị trí này dự kiến sẽ xây dựng một bến thủy nội địa.
Cầu sắt Bình Lợi là cầu đường sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên được xây dựng năm 1902 với chiều dài 276m, gồm 6 nhịp. Do độ tĩnh không thông thuyền thấp, cầu có nhịp quay ở phía bờ quận Thủ Đức cho tàu thuyền qua lại. Cầu có kết cấu vòm thép, các thanh thép liên kết bằng đinh tán ri-vê. Bên phải đường ray gần chân cầu gần quận Thủ Đức có một tháp canh. Trên vách tường hướng ra bờ sông có ô đắp chữ nổi “Binh Loi October 1948” (Bình Lợi, tháng 10-1948).
Cùng ngày, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có công điện về việc phong tỏa tuyến đường sắt Thống Nhất đoạn từ ga Bình Triệu đến ga Gò Vấp, TPHCM để chạy thử qua cầu Bình Lợi mới. Theo đó, thời gian chạy thử qua cầu Bình Lợi mới sẽ diễn ra từ 9 giờ 30 - 14 giờ 30. Trong thời điểm thử tải có đoàn tàu SE22 theo kế hoạch sẽ xuất phát tại ga Sài Gòn vào trưa cùng ngày 14-9. Do đó, các đơn vị đường sắt sẽ chuyển tải hành khách bằng ô tô từ ga Sài Gòn đến ga Bình Triệu cho hành khách lên tàu. Sau khi chạy thử thành công, ngành đường sắt sẽ chuyển tuyến từ cầu cũ sang cầu mới để đảm bảo an toàn chạy tàu.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết, sau khi thông cầu Bình Lợi mới, đơn vị thi công sẽ tháo dỡ cầu Bình Lợi cũ để thông tuyến luồng đường thủy từ Bình Dương về cảng Cát Lái. Tĩnh không cầu Bình Lợi mới cao 7m nên cho thể cho tàu tải trọng đến 300 tấn lưu thông.