“Xin mời thầy cô và các bạn học sinh thưởng thức tiết mục flashmob của đội văn nghệ trường”. Tiếng nhạc sôi động vang lên, đội văn nghệ bước lên sân khấu, các bạn học sinh ngồi phía dưới hò hét.
Học sinh nữ bàn tán xôn xao, học sinh nam vỗ tay, huýt sáo, giáo viên cũng che miệng nói gì đó với nhau về chiếc váy ngắn cũn của các thành viên nữ nhóm nhảy học đường.
Mặc kệ, các bạn vẫn bắt đầu trình diễn những vũ đạo vô cùng gợi cảm như quỳ gối, xoạc chân, uốn éo. Sự phô bày quá mức khiến không ít người tự hỏi, liệu đây có phải là một tiết mục văn nghệ dành cho học sinh.
Những màn diễn quá đà như vậy vừa xuất hiện tại lễ khai giảng ở một số ngôi trường trên cả nước. Từ những màn giả gái uốn éo cho tới tiết mục bò, trườn, hát hò những ca khúc yêu đương sướt mướt, hay những “siêu phẩm” có nội dung nhạt nhẽo, vô duyên.
Không chỉ ở buổi lễ này, mà trong suốt quá trình năm học, tại nhiều lễ hội do nhà trường tổ chức, cũng không thiếu những màn như thế nhưng được “tung hô” là sáng tạo, là tự nhiên và... tài năng. Đã vậy, những hình ảnh, clip các tiết mục này lại được tung tràn ngập mạng xã hội.
Vài năm gần đây, nhà trường đã cho học sinh thoải mái sáng tạo trong những tiết mục văn nghệ như một cách giải trí sau những ngày học căng thẳng.
Nhưng đáng lẽ ra, tùy theo chủ đề của tiết mục, học sinh có thể chọn trang phục phù hợp, nếu thay chiếc váy ngắn cũn cỡn thành loại quần giả váy, không phải sẽ thanh lịch hơn sao; hay nếu thêm một chiếc áo sơ mi khoác ngoài áo ba lỗ, người mặc sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều mà vẫn phong cách.
Trang phục dù đẹp đến đâu nhưng khi được diện không đúng chỗ, sai thời điểm, rất có thể sẽ khiến chúng trở nên lố lăng, thiếu tinh tế.
Hơn tất cả, sáng tạo không có nghĩa là làm quá, nhất là trong môi trường sư phạm. Nhà trường cũng không thể phó mặc cho các em tự quyết định nội dung và hình thức các tiết mục biểu diễn tại các buổi lễ, hội. Vui nhưng đừng vui tới mức làm mất đi hình ảnh trong sáng của tuổi học trò.