Trong “xứ sở voi”
Dưới cái gió chớm lạnh Tây Nguyên, chúng tôi vô tình lạc chân đến con hẻm nhỏ ở buôn Đung (xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Cuối hẻm có một khu vườn nhỏ, đơn sơ, được chủ nhân đặt cho cái tên mộc mạc “Xứ sở voi”. “Xứ sở voi” không có những chú voi khổng lồ, không có nài voi bản địa, mà ở đó có hàng ngàn hiện vật về voi, hàng ngàn câu chuyện ly kỳ, huyền bí được chủ nhân khu vườn sưu tầm khắp mọi miền Tổ quốc đưa về trưng bày.
Những chiếc chóe cổ về voi được anh Luân sưu tầm |
Khi chúng tôi đến, anh Võ Minh Luân vẫn đang say mê chăm chút cho bức tượng voi bằng gốm cổ đặt trước cổng. Bức tượng cao 90cm, dài 1,3m, có thế đứng uy nghiêm, oai vệ trấn giữ cả khu vườn nên được xem con voi đầu đàn của “Xứ sở voi”. “Trong một lần tham quan bộ sưu tập của anh Trần Đức Hòa, tôi không thể cưỡng lại vẻ đẹp của tượng voi mà anh ấy trưng bày. Những đường nét tinh xảo, màu men gốm và hình thái bức tượng được các nghệ nhân ngày xưa thổi hồn như một chú voi thật, khiến tôi mải mê ngắm nghía. Thấy tôi si mê văn hóa Tây Nguyên, anh Hòa đã mở lòng, đồng ý chia sẻ lại bức tượng voi quý giá này. Từ đó, tôi xem bức tượng voi này món quà vô giá, là linh hồn của “Xứ sở voi”, anh Luân kể.
Đặt chân vào khu vườn, đập vào mắt chúng tôi là bức tường tượng voi đồ sộ được sắp xếp bằng hơn 1.000 tượng voi đủ các loại. Hơn 1.000 chú voi bằng gốm sứ thuộc dòng gốm Biên Hòa, Lái Thiêu... từ thập niên 70-80 của thế kỷ trước, đã được chủ nhân gắn kết lại thành một bức tường đẹp lộng lẫy. Trên bức tường voi này, anh Luân kể vanh vách nguồn gốc từng
bức tượng. Mỗi bức tượng voi mang một câu chuyện ly kỳ, đưa người nghe lạc về những ngày hồng hoang, khai sinh lập địa ở vùng đất bí ẩn chốn đại ngàn.
Anh Luân cho biết, để có được bức tường voi trên, anh phải ròng rã gần 10 năm trời đi khắp nơi sưu tầm. Trong đó, có những tượng voi phải theo đuổi nhiều năm liền chủ nhân mới chịu chia sẻ. Không chỉ sưu tầm các tượng voi, trong “Xứ sở voi” còn có hàng ngàn hiện vật về voi như tranh cổ, chóe cổ... Tất cả đều mang hình tượng về voi và người của vùng đất Tây Nguyên.
Ấn tượng hơn cả trong khu vườn là bộ dụng cụ săn bắt voi rừng của đồng bào dân tộc M’Nông. Trong đó, miếng lót trên lưng voi được làm từ vỏ cây rừng, bộ dây trói voi làm bằng da trâu kỳ công và nhiều dụng cụ thô sơ khác dùng trong việc săn bắt, thuần dưỡng voi rừng của người Tây Nguyên xưa.
Đừng để voi Tây Nguyên tuyệt chủng
Nói về cơ duyên gây dựng khu trưng bày “Xứ sở voi”, anh Luân không ngần ngại chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở vùng đất đỏ đại ngàn, từ nhỏ anh đã được tắm mình trong văn hóa đặc sắc của người và đất Tây Nguyên. Với anh, văn hóa của người Tây Nguyên là một thứ gì đó luôn lôi cuốn, thôi thúc anh tìm hiểu.
Năm 2010, khi lập nghiệp ở TPHCM, thời gian rảnh anh thường dạo các khu chợ đồ cổ, sưu tầm các hiện vật về Tây Nguyên để trưng bày trong nhà. Càng sưu tầm, anh lại càng bị cuốn hút bởi nét văn hóa đặc sắc trên chính mảnh đất mình sinh ra. Dần dà gần 10 năm, trong nhà anh chật kín các hiện vật về voi và văn hóa Tây Nguyên.
Theo anh Luân, từ ngàn xưa, đối với người dân tộc bản địa Tây Nguyên, voi thể hiện cho sức mạnh của buôn làng, dòng tộc và là biểu tượng linh thiêng chốn đại ngàn. Voi không phải là con vật mang lại sức kéo mà là một linh vật. Người bản địa Tây Nguyên tôn sùng và coi trọng voi như một thành viên trong gia đình, buôn làng. Hình tượng voi cũng đi vào các trang sử thi, các lễ hội đặc sắc... Do đó các huyền tích về voi là nét văn hóa đặc sắc cần lưu truyền cho mai sau.
Anh Luân lo ngại, hiện nay ở Tây Nguyên, voi ở các buôn làng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, số lượng còn rất ít. Bên cạnh đó, số lượng voi rừng cũng giảm trầm trọng do rừng bị thu hẹp và nạn săn bắt voi trái phép để lấy ngà... Do đó, các nét văn hóa đặc sắc về voi với buôn làng đã dần mai một. “Xứ sở voi không chỉ là điểm tham quan mà còn là thông điệp tuyên truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau phải chung tay bảo vệ số lượng voi còn ít ỏi ở Tây Nguyên. Qua đó, lưu giữ lại nét đẹp truyền thống văn hóa của chính dân tộc mình”, anh Luân tâm tình.
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đắk Lắk, đánh giá: Bộ sưu tập “Xứ sở voi” của Võ Minh Luân là bộ sưu tập quý mang đậm giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng Tây Nguyên; góp phần quan trọng trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa của Tây Nguyên thông qua nghệ thuật gốm sứ, đất nung... Qua đó, truyền tải thông điệp hãy đừng để voi Tây Nguyên tuyệt chủng. Hiện đơn vị cũng đang khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để anh Luân tiếp tục mở rộng hoạt động của việc bảo tồn văn hóa Tây Nguyên.
Năm 2021, anh Luân quyết định đưa các hiện vật hơn 10 năm sưu tầm về nơi cội nguồn để trưng bày. Trong đó, bộ sưu tập “Xứ sở voi” là một trong những bộ sưu tập mang đậm nét văn hóa đặc sắc về người và voi ở chốn đại ngàn.