Giữ hồn gốm Lái Thiêu

Lái Thiêu được nhiều người biết đến là nơi có nhiều vườn trái cây - là điểm đến cuối tuần, nhất là vào mùa hè cho người dân Sài thành và các tỉnh lân cận. Nhưng ít người biết đến nơi đây còn có những làng gốm truyền thống, có tuổi đời hàng trăm năm. Và nay, dù áp lực của tốc độ đô thị hóa buộc phải di dời lò nung gốm ra xa nhưng vẫn có những người nặng lòng với nghề tìm mọi cách để duy trì làng nghề, qua đó lưu giữ hồn gốm miền Đông Nam bộ.

Nhộn nhịp phố gốm

Có mặt tại phường Lái Thiêu (TP Thuận An) vào những ngày này, du khách cảm nhận được không khí nhộn nhịp, đầy sức sống của nghề gốm truyền thống. Trên các con phố quanh chùa Bà, xe ba gác, xe tải nhỏ, xe máy đi lại liên tục để giao hàng cho các cửa hàng nằm trên phố Châu Văn Tiếp (có mặt tiền nhìn ra rạch Lái Thiêu, thông ra sông Sài Gòn) và hàng đống lu khạp đang được tập kết hàng trên bến để các thương lái chất lên ghe, đợi con nước lên sẽ chở về miền Tây tiêu thụ. Cũng nhờ buôn bán mặt hàng gốm sứ mà nhiều hộ dân đã xây nhà cao tầng khang trang, tạo nên sự trù phú cho một phố gốm sứ có bề dày lịch sử.

58 Gom Lai Thieu.jpg
Heo đất - một sản phẩm gốm chủ lực của các làng gốm Bình Dương

Ghé vào một nhà bên đường Đông Cung Cảnh (đối diện Ban điều hành khu phố Chợ, phường Lái Thiêu), chúng tôi lân la hỏi chuyện chị chủ nhà có tên Trần Hữu Hoa (khoảng 55, 56 tuổi) đang cùng cô con gái đang chăm chỉ vẽ hoa văn trang trí lên những con heo đất mập mạp. Hai mẹ con chị đang hoàn thiện khâu cuối cùng để kịp đóng gói, giao hàng cho các chợ đầu mối Đồng Nai, Sài Gòn để cung ứng cho thị trường các tỉnh miền Tây, miền Trung tiêu thụ trong mùa cao điểm cuối năm.

Đất lành chim đậu

Trong chuyến trở lại Lái Thiêu lần này, chúng tôi khá bất ngờ khi xuất hiện một kho hàng khá lớn ở mặt tiền đường Châu Văn Tiếp khi chủ cửa hàng không phải người tại chỗ. Anh Phan Linh và vợ vốn quê ở tỉnh Vĩnh Phúc, nghe tiếng gốm Lái Thiêu và cảm nhận được cơ hội kinh doanh mặt hàng gốm nên cách đây 5 năm họ cùng vợ chồng cậu em đã mạnh dạn đầu tư gần 10 tỷ đồng thuê đất 1.400m² để làm vựa sỉ gốm sứ Thành Linh.

Sản phẩm gốm ở đây khá đa dạng, ngoài các sản phẩm gốm gia dụng của các làng gốm của Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai) còn có cả sản phẩm gốm sứ của các làng gốm nổi tiếng của Hà Nội như Bát Tràng. Nhờ đó, khách hàng có thêm sự lựa chọn mà không phải cất công đi xa.

Chị Loan, vợ anh Linh cho biết, từ đầu năm đến giữa năm là thời điểm nhập hàng mẫu về kho; đến tháng 8 thì các mối đến kho xem, chọn, đặt hàng và lúc cao điểm là 2 tháng cuối năm có khi phải dùng xe tải đi giao hàng cả đêm mới đáp ứng hết đơn hàng. Mặt hàng gốm sứ phổ biến nhất và bán chạy nhất vẫn là sản phẩm heo đất của các làng gốm ở Bình Dương và “sản phẩm này bọn em chuyên cung cấp cho các tỉnh miền Tây và các tỉnh, thành lân cận nhưng tiêu thụ mạnh nhất vẫn là TPHCM và các tỉnh miền Đông như Tây Ninh, Đồng Nai”.

Theo vợ chồng Loan thì “Giờ giao thông tốt hơn trước nhiều, đi lại bằng ô tô tải tiện lợi có thể đi về trong ngày, so với trước kia chủ yếu vận chuyển bằng ghe”.

Thực hiện đề án di dời các lò nung gốm bằng củi truyền thống ra xa khu dân cư nên trong vòng 5 trở lại đây, các lò nung gốm tại Lái Thiêu đã ngưng hoạt động hoàn toàn. Nhiều gia đình đã chuyển sang nghề khác ít nặng nhọc hơn và phù hợp với giới trẻ.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít gia đình vẫn còn nặng lòng với gốm như gia đình chị Hoa hoặc chuyển sang làm showroom gốm ngay tại khuôn viên xưởng cũ. Đó cũng là cách thích ứng với nghề và nhờ đó, ngày nay người ta vẫn còn được ngắm cảnh cảnh “trên bến dưới thuyền” ngày xưa bên con rạch Lái Thiêu vào những ngày giáp Tết Nguyên đán hàng năm.

Tin cùng chuyên mục