Tại TPHCM trong hơn 5 năm qua có khá nhiều tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực được hình thành: phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện (quận 1); phố ẩm thực trước kỳ đài Quang Trung, Hồ Thị Kỷ (quận 10); phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4)... Mới nhất, UBND quận 11 vừa triển khai kế hoạch tổ chức phố đi bộ và khu ẩm thực đêm tại tuyến đường Hà Tôn Quyền (thuộc địa bàn phường 4 và phường 6).
Phố đi bộ, phố ẩm thực không phải mô hình xa lạ. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, phố ẩm thực trở thành điểm du lịch thu hút khách quốc tế, như Thái Lan là một ví dụ với hàng loạt khu ẩm thực đường phố nổi tiếng mà các công ty lữ hành đều đưa vào hạng mục “cần phải đến” để giới thiệu với du khách.
Phố đi bộ, phố ẩm thực mở ra cơ hội cho nhiều ngành dịch vụ. Khi du lịch mở cửa đón khách trở lại, các tuyến phố này càng thêm điều kiện phát triển. Vấn đề đặt ra là mỗi tuyến phố hình thành, hẳn có sự tính toán về mặt giao thông, quy hoạch kiến trúc… để làm nên bộ mặt cho phố, nhưng để khai thác lâu dài và giữ chân du khách, phố đi bộ hay phố ẩm thực phải có cho mình một hồn cốt riêng.
Phố đi bộ có không gian để người dân dạo mát, sinh hoạt ngoài trời; phố ẩm thực phải là điểm đến của những người thích món ngon đường phố… Nhưng nếu chỉ đơn thuần như vậy thì hồn cốt, nét đặc sắc sẽ nằm ở đâu hay sự xuất hiện của hàng loạt những khu phố đi bộ, phố ẩm thực, chỉ mang tính trải đều mà chẳng có điểm nhấn?
Ở những đô thị lớn như TPHCM, đội ngũ thiết kế và thi công các tuyến phố đẹp không thiếu, nhưng cái cần về lâu dài chính là kịch bản để giữ hồn của phố và nâng cao thẩm mỹ công cộng trong người dân. Bất kể là sản phẩm văn hóa nào đặt để trong không gian phố đi bộ, trước hết phải phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của số đông và một đòi hỏi cao hơn nữa chính là mang tính đặc trưng cho địa bàn, xa hơn nữa là đặc trưng của thành phố; để du khách nhìn vào đó như một cách “nhận diện thương hiệu” với nơi mình đang đến. Đó mới chính là cái hồn của riêng từng con phố. Và để làm nên sự khác biệt chính là văn hóa và không gian văn hóa khác nhau ở các tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực.
Hiện nay con đường nhiếp ảnh nghệ thuật ở TPHCM đã hình thành trên trục đường Đồng Khởi, quận 1, bắt đầu từ trụ sở Sở VH-TT TPHCM đến công viên Chi Lăng. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chỉ là “tấm áo mới”, chủ yếu trưng bày tác phẩm, còn chuyện không gian để các nhiếp ảnh gia sáng tác hay tương tác với người xem vẫn chưa hình thành.
Và, nghệ thuật không chỉ có nhiếp ảnh, nhất là nhịp sống đường phố gần gũi và năng động như TPHCM. Không khó để bắt gặp những nghệ sĩ múa rối, chơi đàn, sáo… biểu diễn ở một góc đường hay công viên.
Điều đó cho thấy, thành phố còn thiếu những không gian để âm nhạc hòa mình cùng nhịp sống phố phường, tác phẩm hội họa được trải nghiệm và thực nghiệm gần gũi hơn với người xem hay một đoạn tuồng tích xưa biểu diễn ngoài trời để khán giả có tuổi được dịp xem lại, để người trẻ từ tò mò đến tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống nhiều hơn.
Cùng với phố đi bộ, phố ẩm thực, thành phố cần những con đường nghệ thuật đích thực để tạo đà cho nghệ thuật đường phố phát triển.