Phổ biến tình trạng phụ huynh học sinh đón con đậu xe giữa đường, học sinh tan trường tràn xuống lòng đường, chen nhau qua đường gây cản trở giao thông vào những giờ cao điểm. Làm thế nào để giải quyết tình trạng này? Một trường THPT ở quận Gò Vấp có cách làm hay và hiệu quả.
Hiệu trưởng điều tiết giao thông
Trường THPT Nguyễn Trung Trực ở đường Lê Đức Thọ (phường 15 quận Gò Vấp) - một tuyến đường có rất nhiều trường học, vì vậy ở khung giờ vào học và tan học thường xảy ra tắc đường do số lượng học sinh trên đường quá đông, lại thêm có rất nhiều phụ huynh hàng ngày đến đưa đón con em. Để khắc phục tình trạng kẹt xe trước cổng trường, nhiều năm qua, đội bảo vệ Trường THPT Nguyễn Trung Trực đã phối hợp với dân phòng phường 15 làm tốt công tác điều phối giao thông vào giờ cao điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông.
Trong số những người tham gia điều tiết giao thông, ngoài lực lượng dân phòng và bảo vệ của trường, còn có thầy hiệu trưởng tóc bạc phơ trực tiếp đứng đưa tay hướng dẫn phụ huynh và học sinh đi theo tuyến chỉ dẫn để tránh ùn tắc. Giải thích việc làm của mình, Hiệu trưởng Đinh Minh Hòa chia sẻ: “Ban giám hiệu nhà trường xác định phải giữ không để ùn tắc giao thông trước cổng trường. Muốn công việc được tốt thì người đứng đầu phải làm gương, thể hiện tinh thần quyết tâm cao. Bản thân hiệu trưởng trực tiếp tham gia điều tiết, phân luồng giao thông cùng anh em là để công việc có kết quả hơn”.
Thật vậy, nhiều phụ huynh lúc đầu cũng chen lấn nhau qua đường, nhưng khi thấy thầy hiệu trưởng trực tiếp cầm gậy điều khiển phân luồng thì giật mình dừng lại và đi theo chỉ dẫn. Các em học sinh cũng vậy, với sự có mặt của thầy hiệu trưởng, các em không xô đẩy khi qua đường và cũng không đùa giỡn gây mất an toàn giao thông. Nhờ vậy, từ đầu năm học đến giờ, trên tuyến đường Lê Đức Thọ thường có nhiều điểm ùn tắc vào các giờ cao điểm, nhưng khu vực trước cổng Trường THPT Nguyễn Trung Trực ít khi xảy ra.
Ngăn bạo lực học đường
Ngoài việc đảm bảo tốt an toàn giao thông trước cổng trường, thầy trò Trường THPT Nguyễn Trung Trực còn có nhiều sáng kiến ngăn chặn bạo lực học đường rất đáng ghi nhận. Cô Lý Thị Hồng Thắm, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết ngày trước vẫn có khi xảy ra vụ việc học sinh đánh nhau bên ngoài nhà trường, do mâu thuẫn của các em trong nhà trường chưa được giải tỏa về mặt tâm lý. Có trường hợp nhà trường phát hiện mâu thuẫn, giáo viên chủ động gặp gỡ từng em để khuyên ngăn, thế nhưng phụ huynh bênh con, vô tình tạo thêm hiềm khích dẫn đến đánh nhau. Do vậy, nhà trường đặc biệt quan tâm chấn chỉnh, ngăn chặn, không để xảy ra những vụ việc như vậy.
Chia sẻ kinh nghiệm ngăn ngừa học sinh đánh nhau trong và ngoài nhà trường, cô Hồ Thị Ngọc Vương, Trợ lý thanh niên (giáo viên bộ môn Giáo dục công dân), cho biết mỗi lớp lập trang Facebook của lớp để cùng chia sẻ nhau bài vở, giúp nhau học tập. Giáo viên chủ nhiệm cũng sử dụng trang Facebook của lớp để thông báo những việc cần làm trong tuần, nhắc nhở học sinh học tập, ôn bài, thi cử… Qua đó, các học sinh kết bạn trên mạng và xây dựng mối liên hệ thân thiết nhau.
Cũng qua đó, không khó phát hiện những bình luận hiềm khích, thách thức bạo lực giữa các học sinh với nhau. Nhà trường có bộ phận theo dõi mạng để kịp thời thông báo cho thầy cô các trường hợp học sinh hiềm khích, thách thức nhau trong các lời bình luận. Ban tư vấn tâm lý học đường do ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm đảm trách sẽ xử lý nhanh, đưa ra phương án giải quyết những trường hợp học sinh bất hòa, tư vấn tâm lý cho các học sinh có liên quan, nhờ vậy đã ngăn chặn được nhiều trường hợp có nguy cơ xung đột, đánh nhau.