Tuy nhiên, nhìn chung việc xử lý hành vi xả rác thải ra đường và điểm đen về ô nhiễm vẫn chưa triệt để. Trong các ngày 21, 22 và 23-5, Báo SGGP mở diễn đàn đăng các ý kiến của bạn đọc góp ý, thảo luận về việc giữ gìn thành phố sạch.
Xây dựng ý thức giữ vệ sinh đô thị
Mặc dù thường xuyên được tuyên truyền, vận động không xả rác nơi công cộng, thế nhưng ở nước ta vẫn còn không ít người có thói quen xấu đó. Trong những lễ hội, tại các điểm du lịch… nhiều người đến vui chơi rồi cứ thản nhiên bỏ lại ly nhựa, lon nước, hộp đựng thức ăn... Hành vi kém văn hóa ấy như căn bệnh kinh niên khó chữa.
Ngay từ những bài học đầu tiên khi đến trường, chúng ta được giáo dục, nhắc nhở không xả rác bừa bãi, phải bỏ rác đúng nơi quy định; vậy mà nhiều người vẫn có thói quen tiện đâu vứt đó, hoặc có tâm lý ích kỷ, chỉ cần giữ sạch nhà mình là được, còn ngoài đường không phải việc của mình.
Luật pháp nước ta có các quy định chế tài hành vi xả rác bừa bãi. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục để xử phạt phức tạp và cũng không có ai chuyên trách làm nhiệm vụ kiểm soát hành vi xấu này. Nhiều nơi ra quân xử phạt theo chiến dịch cao điểm, rồi lại buông, đâu lại vào đó! Tình trạng xả rác bừa bãi vẫn cứ diễn ra.
Muốn giữ gìn thành phố sạch sẽ và văn minh, mỗi công dân phải có ý thức và hành động đúng mực, không xả rác nơi công cộng. Cùng với biên pháp giáo dục, vận động, cần có những biện pháp thực thi chế tài quyết liệt đối với người vi phạm, từ phạt tiền đến buộc lao động công ích khắc phục hậu quả, thay vì chỉ phó thác việc dọn dẹp rác cho công nhân vệ sinh hay các nhóm bạn trẻ, đoàn viên thanh niên. Các quận huyện, phường xã phải tổ chức hợp lý việc thu gom, xử lý rác, dọn bãi rác tự phát, kiểm soát xử lý vi phạm.
Chị VÕ THỊ THÚY NỞ (quận Thủ Đức, TPHCM)
Thực hiện kỹ hơn việc phân loại rác
Từ cuối tháng 11-2018, TPHCM bắt đầu thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Gia đình tôi trang bị 2 thùng rác để đựng riêng rác hữu cơ và vô cơ. Nhưng vẫn có rất nhiều nhà chưa chịu phân loại rác và xe thu gom rác dân lập cũng chưa thiết kế vách ngăn để chứa riêng 2 loại rác, nên dù người dân có phân loại rác thì người gom rác cũng dồn vào chung xe. Thực tế đó cho thấy việc phân loại rác chưa khả thi, cần kiên trì vận động và đầu tư phương tiện để thực hiện.
Để phân loại rác có hiệu quả, lực lượng thu gom rác dân lập cần được hỗ trợ đầu tư xe rác đúng quy chuẩn có các ngăn chứa rác và họ được huy động cộng tác trong việc hướng dẫn người dân cách phân loại rác.
Ngoài ra, đã bắt buộc phân loại rác thì nên có thêm quy định cụ thể, như không thu gom rác chưa phân loại; quy định chung về kích thước, kiểu dáng, màu sắc túi đựng rác; quy định giờ thu gom rác…
Có như vậy, mới có thể dần hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn. Việc giữ vệ sinh môi trường và văn minh đô thị không thể làm theo phong trào, hết đợt rồi thôi, mà phải là việc làm thường xuyên, có sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân và chính quyền địa phương.
Bà ĐẶNG THỊ HOA (quận Tân Phú, TPHCM)