Tham dự hội thảo có: GS-TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Văn Huyến; Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV Phan Công Khanh...
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Văn Huyến cho rằng, gia đình và hệ giá trị gia đình là một trong những nội dung cốt lõi và thiết thực nhất đối với mỗi chúng ta. Đây cũng là vấn đề luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Điều này được thể hiện rõ qua hệ thống các quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta từ trước đến nay, nhất là trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
Theo ông Trần Văn Huyến, trong bối cảnh hiện nay, gia đình và hệ giá trị gia đình đã và đang chịu nhiều tác động khác nhau, dẫn đến sự biến đổi hết sức nhanh chóng và sâu sắc.
Thực tế đó đã và đang đặt ra những vấn đề lớn cần được nghiên cứu, luận giải một cách thấu đáo, thuyết phục nhằm nhận diện, phát huy và lan tỏa những giá trị đích thực của gia đình; vừa củng cố những giá trị truyền thống, phát triển những giá trị mới, vừa kịp thời ngăn chặn sự suy thoái, mai một của hệ giá trị gia đình.
Hội thảo khoa học với chủ đề “Giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam ở ĐBSCL trong bối cảnh hiện nay” có ý nghĩa thiết thực cả về phương diện lý luận lẫn thực tiễn.
Hội thảo đánh giá việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng gia đình Việt Nam nói chung, giữ gìn và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam nói riêng trong thời kỳ đổi mới; đồng thời, góp phần cung cấp luận cứ cho việc hoàn thiện thể chế về giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để thảo luận về những hạn chế, bất cập, nguyên nhân cũng như đề xuất nhiều giải pháp giữ gìn và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam ở ĐBSCL trong thời gian tới.
Theo GS-TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong thời kỳ đổi mới, việc xây dựng gia đình nói chung, việc giữ gìn và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam nói riêng ở vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Nhiều gia đình đã tiếp cận được những dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao. Kinh tế hộ gia đình đã đóng vai trò quan trọng, nhiều hộ gia đình đã nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng. Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình được coi trọng và có nhiều tiến bộ.
Cùng với đó, bình đẳng giới, Quyền Trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Chăm lo, vun đắp, xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình là giá trị cao đẹp mà mỗi người Việt Nam luôn quan tâm thực hiện và hướng tới...
Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam; thực hiện thành công Mục tiêu Thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Bên cạnh những thành tựu nói trên, các đại biểu cũng chỉ ra, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu và sự phát triển của công nghệ số, xã hội số... cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc xây dựng gia đình và giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam ở ĐBSCL.
Sự xuống cấp của hệ giá trị gia đình không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển con người, mà còn là một trong những nguyên nhân cơ bản đưa đến các hiện tượng như ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân, bất bình đẳng giới... Từ đó ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của gia đình và xã hội.
"Những vấn đề đặt ra trong giữ gìn và phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam ở ĐBSCL đòi hỏi cần phải tiếp tục có những giải pháp để xây dựng gia đình phát triển bền vững, cũng như giữ gìn và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam ở ĐBSCL”, GS-TS Lê Văn Lợi, nhận định.