Cựu chiến binh Nguyễn Thị Thu Hiền sinh ra ở xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1964, khi mới 13 tuổi, cô gái nhỏ đã xung phong tham gia cách mạng và đến năm 1967 trở thành nữ du kích tại địa phương.
Cựu chiến binh Nguyễn Thị Thu Hiền giữ gìn những kỷ vật thời chiến, đây là tài sản vô giá cuộc đời bà. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Bà Hiền chia sẻ: “Tôi suy nghĩ nếu tôi hy sinh mà nhật ký có đồng chí nhặt được, sau khi đọc dòng này thì gửi lại cho người yêu thương là chồng tôi Lê Hữu Vạn, bí danh Lê Hữu Thuận, xã Hành Thuận. Tôi ghi địa chỉ trong cuốn nhật ký”.
Bà Hiền cầm cuốn nhật ký đọc lại những dòng đã ghi. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Những trận bom đạn diễn ra liên tục, bà viết trong nhật ký: “Bom đạn làm cho em ta, cha ta, chị ta và bà con mỗi người một ngã… làm cho cánh đồng ta một màu đen xám”.
Từ du kích địa phương, bà Hiền được tin tưởng giao nhiệm vụ xã đội phó, năm 19 tuổi, bà Hiền trở thành Huyện ủy viên, sau đó làm công tác xây dựng Đảng ở cấp tỉnh.
Thẻ Thanh niên quyết thắng được bà giữ gìn. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Bà Hiền dâng trào cảm xúc khi lật từng trang nhật ký, bồi hồi nhớ lại từng kỷ niệm, từng đồng chí, đồng đội đã kề vai sát cánh bên mình. Người còn người mất, kỷ niệm cũng có khi không còn nhớ vẹn nguyên, nhưng bà biết rằng một thời nhiệt huyết tuổi trẻ ấy sẽ mãi là thanh xuân đẹp nhất của bà cũng như đồng đội.
Có khi là vài con chữ viết vội, có khi là bài thơ lại được nắn nót vẽ vời, có những câu không đầu không cuối, có những dòng lại mang đầy tâm trạng ưu tư, chính vì như vậy mà cuốn nhật ký lại trở thành "người kể chuyện", người lưu giữ ký ức một cách chân thực nhất, sinh động nhất.
Cuốn nhật ký ghi chép những kỷ niệm trong suốt những năm kháng chiến. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Bà Hiền ghi từng dòng chữ về nỗi đau khi lần lượt từng người thân là cha, mẹ, anh chị hy sinh. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Cuốn sổ nhỏ này là nơi ghi lại những cung bậc cảm xúc trong thời kỳ mưa bom bão đạn của tôi, là niềm vui hân hoan khi gặp lại người thân, nhưng cũng là tột cùng nỗi đau khi hay tin người thân yêu nhất của mình qua đời. "Năm 1967, người Mẹ kính yêu đã hy sinh trong nhà tù, năm 1968, người em Nguyễn Duy Hà hy sinh trong trận chiến đấu Nam Dũng,...". Bà Hiền còn giữ cuốn nhật ký của người em Nguyễn Duy Hà, người đã hy sinh.
Tấm ảnh đội giải phóng Nghĩa Hành. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Mỗi tấm ảnh là những câu chuyện về tình yêu đôi lứa, tình đồng chí, đồng đội. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Rất nhiều hình ảnh được bà Hiền giữ gìn qua năm tháng như tấm ảnh về đội giải phóng Nghĩa Hành, trong đó có chồng bà là ông Lê Hữu Vạn tham gia. Bức ảnh thể hiện niềm vui hội ngộ cùng các đồng chí đồng đội, đó thực sự là khoảnh khắc quý giá, không chỉ giá trị với gia đình bà mà còn giá trị với quê hương, đất nước.
Ông Lê Hữu Vạn tham gia cách mạng năm 1964 cùng đội giải phóng Nghĩa Hành cho đến ngày thống nhất đất nước.
Một dòng ghi thiệp cưới của bà Hiền, bà chia sẻ vào thời chiến, bà đã nhờ đánh máy thiệp. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Bà Hiền được phong tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; năm 2023, bà nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.
Bà Hiền nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Bà còn giữ kỷ vật như lon đựng sữa, đài radio, tấm dù ngụy trang, ống nhòm… Trong chiến tranh, giữ mạng sống đã khó, nhà cửa bom đạn tàn phá, để giữ kỷ vật đến ngày hôm nay không dễ dàng. Dù những kỷ vật đã ngả màu thời gian nhưng vẫn được bà nâng niu để con cháu đời sau luôn ghi nhớ và tự hào về truyền thống gia đình.
Chiếc radio và kỷ vật được bà Hiền giữ đến ngày nay. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Bà Hiền cho biết: “Tôi có tâm nguyện hiến tặng kỷ vật này cho bảo tàng sau khi tôi ra đi. Thế hệ trẻ sau này khi vào bảo tàng tham quan có thể thông qua kỷ vật hay cuốn nhật ký hình dung về những trận đánh ác liệt qua góc nhìn người lính chiến trường”.