Trước đó, sáng 17-2, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tổ chức hội nghị toàn quốc về hệ thống văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp năm 2023. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, đến hết năm 2022, cả nước có 73% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 18 tỉnh và thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 tỉnh là Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Hơn 12 năm triển khai, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đã có đổi thay vượt bậc, hiện đại hóa một bước theo hướng đồng bộ; bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, từng bước thu hẹp dần khoảng cách với khu vực đô thị. Mặc dù vậy, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, vẫn lộ ra những bất cập, hiện tại một số địa phương có xu hướng “đô thị hóa nông thôn, đồng bằng hóa miền núi, bê tông hóa làng quê” dẫn đến phá vỡ cảnh quan, mất bản sắc truyền thống, bị pha tạp... Một số công trình hạ tầng mẫu như nhà văn hóa, nhà ở… được áp dụng một cách rập khuôn, cứng nhắc.
Trong khi những nội dung này vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có hướng dẫn xây dựng trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới đối với khu vực ven đô, chưa lượng hóa được các quy định, hướng dẫn về kiến trúc nông thôn. Do đó, hội nghị ngày 17-2 được tổ chức để tìm giải pháp triển khai hiệu quả quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, quán triệt Chỉ thị số 04/CT-TTg và đẩy mạnh xây dựng cảnh quan, kiến trúc trong xây dựng nông thôn mới đến cán bộ, chuyển đổi nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân.
Đồng thời thống nhất quan điểm và nội dung để gắn kết giữa quy hoạch nông thôn mới với quá trình đô thị hóa, nhất là đối với những khu vực ven đô, khu vực được quy hoạch phát triển thành đô thị, các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn bản sắc và các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường và giữ gìn, xây dựng cảnh quan nông thôn.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị cần thay đổi cách tiếp cận trong xây dựng nông thôn mới, lấy sự năng động, đổi mới sáng tạo ở cơ sở làm động lực để các địa phương học tập, kích hoạt các giá trị nội tại, tránh tình trạng “đồng phục hóa” nông thôn cho hàng ngàn xã, phường trên cả nước.