Trong tình hình kinh tế toàn cầu suy giảm, xuất khẩu hàng hóa khó khăn, mãi lực hàng tiêu dùng và dịch vụ giảm, mọi toan tính để triển khai các dự án đầu tư, sản xuất loại hàng hóa gì để bán được… là câu chuyện ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp hiện nay.
1- Sáng mùng 3 Tết, chúng tôi có mặt ở quán cà phê Cỏ Ba Lá nằm trên đường 3-2, quận 10, trò chuyện với Lộc, một trong những chủ nhân góp vốn làm nên quán cà phê khá hiện đại này. Quán mới khai trương trước Tết Nguyên đán nhưng cũng đã khá đông khách.
Nằm trong con hẻm rộng vừa phải, yên tĩnh, quán cà phê có những khoảng không gian rộng, sáng với cây và hoa bố trí đẹp mắt và hợp lý. Anh Lộc cho biết, dự định ban đầu của nhóm không phải quán cà phê mà là khách sạn mi ni hay mở cao ốc văn phòng cho thuê.
Thực hiện kế hoạch đề ra, nhóm đã chuẩn bị từ mấy năm trước, từ mặt bằng, thiết kế đến xin phép xây dựng ngôi nhà cao khoảng 7 tầng… Chỉ riêng để có mặt bằng đủ rộng, nhóm đã mất 2 năm trời thương thảo mua 2 căn nhà liền kề căn nhà đã có sẵn.
Mọi thứ đã sẵn sàng, sắt thép được mua dự trữ từ năm ngoái, móng ngôi nhà 7 tầng đã được thực hiện. Nhưng móng nhà xây xong vào khoảng giữa năm 2008, tình hình xoay chuyển bất ngờ.
Thị trường khó khăn, nguồn cung mặt bằng cho thuê tăng quá nhiều, chủ yếu là các cao ốc lớn, được đầu tư và quản lý chuyên nghiệp. Các khách sạn cũng bắt đầu dư phòng, nguồn khách du lịch giảm… Tình hình này buộc nhóm của anh phải tính toán lại.
Sau khi khảo sát, nhóm quyết định quay sang đầu tư quán cà phê hiện đại, có phong cách riêng. Thế là sắt thép dự trữ cho 7 tầng nhà được bán đi, thay vì 7 tầng thì tòa nhà được thiết kế lại chỉ có 3 tầng, phù hợp với mục đích kinh doanh mới. Đến thời điểm này nhóm của anh đã phần nào nhẹ nhõm khi thay đổi mục tiêu kinh doanh có vẻ phù hợp, không bị áp lực quá mức khi không phải vay ngân hàng nhiều.
Nhiều người nhận xét, cách làm này của nhóm là khá khôn ngoan. Với qui mô đầu tư như hiện nay, khả năng thu hồi vốn khá tốt, và khi thị trường phục hồi, nếu chuyển về mục đích đầu tư ban đầu cũng không bị lãng phí.
2- Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn cũng cho biết, năm 2009 dự báo sẽ có nhiều khó khăn, vì thế mục tiêu của doanh nghiệp này là bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp, tức là nỗ lực bảo toàn vốn và việc làm cho người lao động. Tình hình ngành giấy hiện nay khá khó khăn, đặc biệt là đối với mặt hàng giấy bao bì. Dây chuyền sản xuất giấy bao bì của Giấy Sài Gòn đã phải giảm công suất 50%-60% do nhu cầu giảm.
“Mặt hàng này của chúng tôi cung ứng chủ yếu cho các doanh nghiệp thủy sản, dệt may, da giày… Thế nhưng sản lượng hàng xuất khẩu giảm nên nhu cầu sử dụng giảm theo. Để bù lại, Giấy Sài Gòn tăng sản xuất mặt hàng giấy tissue (giấy vệ sinh, khăn giấy…), vì nhu cầu còn lớn và doanh nghiệp cũng đã có hệ thống tiêu thụ khắp cả nước”, ông Vị cho biết.
Một số dự án đầu tư mà Giấy Sài Gòn đã chuẩn bị cách đây 2 năm để nâng công suất lên gấp đôi dường như đã sẵn sàng, từ mặt bằng, huy động vốn đầu tư thông qua việc phát hành cổ phiếu hoặc thu hút các nhà đầu tư chiến lược, lựa chọn công nghệ và thiết bị… nhưng đành hoãn lại. Theo ông Vị, nếu đầu tư vào lúc này doanh nghiệp khó có thể bán được hàng, vì thế khả năng trả nợ vốn vay đầu tư (dù lãi suất đã giảm) cũng không hiệu quả. Áp lực này có thể dẫn đến nguy cơ phá sản, vì thế cần cân nhắc mọi thứ.
“Thế nhưng chúng tôi đã chuẩn bị từ mấy năm trước cả nguồn vốn, nhân lực cho các dự án mới, vì thế nếu đến cuối năm tình hình kinh tế phục hồi thì chúng tôi sẽ nhanh chóng triển khai”, ông Vị khẳng định.
3- Vấn đề hiện nay chính là suy thoái kinh tế toàn cầu nên các nhu cầu tiêu dùng trên toàn thế giới đều giảm. Điểm mấu chốt của doanh nghiệp là làm sao bán được hàng nên việc giãn các dự án đầu tư vào lúc này cũng là một cách.
Trong vai trò là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ TPHCM, ông Cao Tiến Vị cũng nhấn mạnh, mục tiêu trong năm 2009 của các doanh nghiệp trong hiệp hội này đưa ra chính là bảo toàn vốn, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Theo ông Vị, các doanh nghiệp cần liên kết hỗ trợ nhau để cùng khai thác tối đa thiết bị công nghệ sẵn có, có thể gia công từng công đoạn cho một chuỗi sản xuất sản phẩm; tổ chức cung ứng nguyên phụ liệu cho nhau theo kiểu thị trường nội bộ để giảm việc phải nhập khẩu và lệ thuộc vào giá cả thất thường của thế giới; sử dụng hệ thống phân phối có sẵn của các doanh nghiệp kích cầu tiêu dùng… nhằm giảm thiểu chi phí, giảm giá bán.
Vào lúc này, những biện pháp trên có thể sẽ giúp doanh nghiệp không bị thu hẹp sản xuất, giữ được chân công nhân, chuẩn bị các nguồn lực để khi kinh tế thế giới phục hồi các doanh nghiệp có thể nhanh chóng bung ra đầu tư mở rộng năng lực sản xuất và chiếm lĩnh thị trường.
Văn Thiên Lộc