Hội nghị diễn ra trong một ngày, tập trung thảo luận, thông qua nhiều nội dung quan trọng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý 1 và nhiệm vụ, giải pháp quý 2-2018; kết quả thực hiện Kết luận 21-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Các đại biểu cũng thảo luận về kết quả thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU (năm 2017) của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị Ảnh: VIỆT DŨNG
Tập trung xử lý các thông tin phản ánh của nhân dân
Đánh giá về kết quả thực hiện Kết luận 21-KL/TW (năm 2017) của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội trong 3 tháng đầu năm 2018, đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, khẳng định bước đầu đã thực hiện hiệu quả; các đề án hoàn thành đúng kế hoạch và chất lượng. UBND TP đang tập trung hướng dẫn các cơ quan, đơn vị cách thức tổ chức thực hiện đúng tiến độ các nghị quyết này. Trong thời gian tới, TPHCM khẩn trương triển khai thực hiện các nghị quyết cụ thể hóa cơ chế, chính sách đặc thù và tiếp tục hoàn tất các đề án, nội dung còn lại để trình HĐND TP đúng kế hoạch.
Liên quan đến kết quả thực hiện Quy định 1374, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, nhận xét cấp ủy các cấp bước đầu xác định việc thực hiện Quy định 1374 là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Tính từ đầu năm nay, các đơn vị đầu mối tổng hợp thông tin cấp TP ghi nhận 55 thông tin, kiến nghị phản ánh hành vi vi phạm thực hiện chức trách công vụ (28 thông tin); vi phạm về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo (12 thông tin); vi phạm về phòng, chống tham nhũng, lãng phí (2 thông tin)… có cơ sở giải quyết. Ban Thường vụ Thành ủy đã lập tổ công tác 1374 và rà soát, chỉ đạo các cấp ủy xử lý các thông tin phản ánh nêu trên. Qua đó, 28 thông tin đã được xử lý...
Đồng chí Tất Thành Cang nhận xét, Quy định 1374 là một công cụ mới trong công tác giám sát, xây dựng Đảng. Song đến nay, một số cơ quan đơn vị và người đứng đầu cấp ủy chưa nắm chắc mục đích, nội dung quy trình thực hiện nên còn lúng túng trong phân loại, chỉ đạo giải quyết. Các cấp ủy mới bước đầu tập trung chỉ đạo giải quyết nội dung thông tin phản ánh mà chưa chỉ đạo làm rõ trách nhiệm và xem xét, kỷ luật tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm. Ngoài ra, việc giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại còn kéo dài, thiếu nhất quán và còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. “Việc giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy, của người đứng đầu cơ quan, đơn vị”, đồng chí Tất Thành Cang nhấn mạnh và yêu cầu cấp ủy và thường trực cấp ủy phải tăng cường đi cơ sở, chọn địa bàn, lĩnh vực, vụ việc nổi cộm, bức xúc của địa phương, đơn vị để tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm rồi công khai kết quả giải quyết.
Góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng cho cả nước
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, cơ cấu kinh tế TPHCM trong những tháng đầu năm 2018 có nhiều dấu hiệu tốt. Trong đó, lĩnh vực khoa học công nghệ tăng trưởng hơn 20 lần so với cùng kỳ. Các lĩnh vực thông tin truyền thông, y tế… đều tăng trưởng tốt. Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng 280% so với cùng kỳ. “Đây là điểm son mà TPHCM phải giữ”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý và đặt ra yêu cầu cải tiến môi trường đầu tư, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả.
Cùng đề cập đến vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý chỉ số phát triển công nghiệp trong 3 tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 6,05% so với cùng kỳ cho thấy nguy cơ các ngành công nghiệp của TPHCM tăng trưởng thấp là hiện hữu. Chính vì vậy, TPHCM phải xây dựng hệ sinh thái nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ra đời và phát triển. Trong đó, muốn phát triển công nghiệp thì phải trả lời được đất ở đâu để doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng, chính sách thế nào để doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhân lực cung ứng từ đâu và thậm chí là chính sách hỗ trợ, tiếp thị tiêu thụ sản phẩm ra sao cũng phải đặt ra. “TPHCM phải góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng cho cả nước. Do đó, bên cạnh các mô hình có sẵn, TPHCM cần thúc đẩy chương trình khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM. Đây là một trong những nội dung hiện thực hóa yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng trên địa bàn TPHCM”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Đề cập đến đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, lộ trình xây dựng đề án này chưa được chuyển tải tốt đến người dân, thậm chí đối với lãnh đạo một số sở - ngành. Vì vậy, một số cán bộ, đảng viên còn băn khoăn và nhận xét nước ngập, đường tắc thì nói gì đến đô thị thông minh. “Chính vì đường còn tắc, nước còn ngập mới cần đô thị thông minh để giải quyết”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định và cho biết bản chất của đô thị thông minh là phương thức quản lý mới, nhằm giúp giải quyết tốt các bất cập trong quá trình đô thị hóa, bao gồm các vấn đề về nhà ở, kẹt xe, ngập nước, môi trường… Cùng với đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đánh giá bước đầu UBND TP đã cụ thể hóa một số nội dung thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội. Tuy nhiên, khối lượng công việc từ nay đến cuối năm 2018 là rất lớn, với khoảng 13 nội dung, đề án mà UBND TP phải hoàn tất để trình HĐND TP thông qua. Đây là một thách thức nhưng nếu UBND TP tập trung và HĐND TP có quyết tâm thì các nội dung, đề án này sẽ được thông qua đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.