Để duy trì nghề truyền thống của cha ông mình, nhiều hộ nông dân ở Gò Vấp đã tìm đến phường Thới An (quận 12, TPHCM) thuê đất, tổ chức trồng hoa. Không chỉ sống được với nghề, các nông hộ nơi đây có thêm niềm vui khi bao chậu hoa do mình chăm sóc được trang hoàng trong các gia đình ở TPHCM những ngày tết đến, xuân về.
Thuê đất trồng hoa
Nhiều năm nay, khu đất trống rộng chừng 4ha trên đường Lê Thị Riêng (phường Thới An, quận 12) được người dân tận dụng thuê trồng hoa tết, khi mà quỹ đất đô thị của TPHCM ngày càng co hẹp lại. Nơi đây hiện có hơn chục vườn hoa, được nhiều người dân gọi là “làng hoa quận 12”.
Hoa trồng chủ yếu là các loại ngắn ngày như cúc, cát tường, mào gà, vạn thảo, vạn thọ. Không có quy mô lớn như những vựa hoa ở TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) hay những trang trại hoa ở Lâm Đồng… nhưng làng hoa nơi đây vẫn tất bật người chăm sóc, thu hoạch để phục vụ thị trường TPHCM mỗi khi tết đến, xuân về.
Một sáng cuối tuần, chúng tôi đến tham quan vườn hoa, tiếng khách hàng ngã giá với chủ vườn sôi nổi. “Luống hoa mào gà tưới đậm nước, luống cúc vàng tưới phun sương thôi, cẩn thận không chừng giập hoa…”, tiếng cười nói của chủ vườn nhắc nhở thợ thầy chăm sóc hoa cho cẩn thận, thêm tươi vui trong nắng sớm. Khác với những năm trước, năm nay hầu hết các nhà vườn đều chủ động giảm sản lượng do dự báo về tình hình dịch Covid-19 phức tạp và diễn biến thời tiết thất thường trong cả năm.
Gia đình bà Nguyễn Thị Phượng (nông dân phường Thới An) có thâm niên 20 năm trồng hoa. Bà Phượng cho hay, mùa tết này chỉ trồng 8.000 chậu hoa các loại, giảm gần 50% so với năm ngoái.
“Giá bán sỉ tại vườn nhà tôi ổn định như mọi năm. Theo đó, một cặp dừa cạn, dạ yến thảo chừng 30.000 - 70.000 đồng; một cặp hoa cúc, hướng dương, mào gà tùy loại, có giá từ 70.000 - 120.000 đồng. Mức giá này sẽ làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Trước đây, hoa tết ở làng hoa Gò Vấp phục vụ cả thành phố. Giờ đô thị hóa, ít người trồng nên hoa chỉ bán ở khu vực nội thành, quy mô nhỏ lẻ là chính”, bà Phượng bộc bạch.
Dẫu vậy, để đa dạng sản phẩm, ngoài các loại hoa truyền thống, nhiều nhà vườn năm nay trồng thêm các giống hoa mới như cẩm thạch, triệu chuông, vân anh, dừa cạn…, đáp ứng thêm nhu cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm. Theo các chủ vườn, trước tết khoảng 1 tuần, nhiều thương lái đã đến xem hoa để nhập hàng bán. Khách hàng chủ yếu đến từ TPHCM, những luống đẹp đã được khách đặt mua hết.
Giữ nghề truyền thống
Hiện làng hoa quận 12 có hơn chục hộ trồng hoa. Phần lớn họ là nông dân ở làng hoa Gò Vấp năm xưa, qua thuê đất trồng. Ông Phạm Văn Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thới An, chia sẻ: “Cả năm qua, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dẫu vậy khi ngày tết đến, nhà nhà đều mua hoa để chưng. Chúng tôi cũng rất hy vọng những người trồng hoa ở phường Thới An có một vụ mùa thắng lợi, để có cái tết đủ đầy. Đó cũng là điều an ủi cho bà con nông dân, quanh năm một nắng hai sương trên đồng hoa”.
Trong quá khứ, nhiều nghệ nhân của làng hoa Gò Vấp từng đi truyền nghề cho nhiều địa phương khác, và họ cũng nhận được nhiều huy chương về triển lãm hoa kiểng, bonsai toàn quốc. Do vậy, những người đang trồng hoa ở quận 12 cũng mong muốn nghề truyền thống của cha ông mình sẽ tìm lại thời kỳ vàng son, đó là một làng hoa kiểu mẫu chất lượng cao, được chăm sóc bởi các nghệ nhân lành nghề.
Một mùa xuân mới đang tới, những sắc đỏ, vàng, tím ở các vườn hoa tại phường Thới An sẽ làm đẹp thêm những ngôi nhà, tạo niềm phấn chấn, may mắn cho gia chủ vào những ngày đầu năm mới. Đó cũng là động lực để những hộ dân trồng hoa tiếp nối nét đẹp nghề truyền thống của cha ông.