Báo cáo tại phiên họp về dự thảo Luật Thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo luật kế thừa các quy định hiện hành về tổ chức các cơ quan thanh tra nhà nước và thiết kế mô hình các cơ quan thanh tra cho phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. Các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện.
Dự thảo luật cũng quy định việc xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra, như: nếu phát hiện hành vi vi phạm thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra lập biên bản về hành vi vi phạm đó để làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật; nếu phát hiện thấy dấu hiệu của việc tẩu tán, chuyển dịch, hủy hoại tài sản thì đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập và cơ quan có thẩm quyền khác có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi đó.
Về thanh tra nhân dân, Chính phủ đã thống nhất chuyển nội dung thanh tra nhân dân sang dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được xây dựng và trình Quốc hội thông qua cùng với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra ở cấp huyện. Chức năng, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan này sẽ được chuyển cho Thanh tra tỉnh. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: “Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra đã chỉ rõ ở cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra, biên chế rất ít, nên không phát huy được hiệu quả. Việc không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện sẽ giúp giảm đầu mối cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế”.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, những vấn đề bất cập trong tổ chức và hoạt động của thanh tra cấp huyện hiện không phải do thiết chế này không còn phù hợp, mà cần được quan tâm giải quyết, bảo đảm đủ điều kiện, năng lực để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Bà Thanh đề xuất, vẫn giữ mô hình thanh tra hành chính ở 3 cấp như Chính phủ trình. Về các hình thức thanh tra, Trưởng Ban Công tác đại biểu tán thành quan điểm của Ủy ban Pháp luật và cho rằng, thanh tra theo kế hoạch thực chất là thanh tra thường xuyên, do đó chỉ nên giữ lại 2 hình thức là thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị giữ tổ chức thanh tra huyện, thậm chí còn phải củng cố, tăng cường cho cấp này để giải quyết kịp thời nhiều vấn đề phát sinh ở cơ sở, nhất là trong giải quyết khiếu nại tố cáo. Ví von hệ thống thanh tra hiện nay như “chiếc nón ngược”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, ở cấp cơ sở khối lượng công việc nhiều, nhưng tổ chức thanh tra lại rất thiếu nhân lực.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, ngay từ khâu lập kế hoạch thanh tra, kiểm toán, 2 cơ quan này cần có sự phối hợp thực hiện, đảm bảo không chồng chéo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng gợi ý, trong kỷ nguyên số, việc tin học hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo… vào công tác thanh tra sẽ giúp nâng cao hiệu quả, tiết kiệm công sức, nâng cao độ chính xác, khách quan của công tác thanh tra.