Theo đó, việc nhận đơn đăng ký sẽ bắt đầu từ tháng 1-2023. Thị thực mới mang tên Overseas Networks & Expertise (ONE) sẽ cho phép người lao động có mức lương cố định hàng tháng là 30.000 đô la Singapore (SGD) - khoảng 21.000USD, ở lại trong 5 năm và đồng thời cho phép điều hành hoặc làm việc cho nhiều công ty trong nước. Quy định mới này linh hoạt hơn so với Giấy phép làm việc (Employment Pass-EP) hiện có, là một loại thị thực thường được cấp trong 2-3 năm và gắn liền chỉ với một công việc cụ thể cho người nước ngoài muốn làm việc và sinh sống tại Singapore. Chính phủ cũng cam kết cải thiện việc xử lý các giấy phép EP hiện có cho các chuyên gia nước ngoài, “nâng cấp” cho họ trong vòng 10 ngày làm việc.
Những thay đổi về thị thực của Chính phủ Singapore được thiết kế để cung cấp cho các nhà tuyển dụng nhiều lựa chọn hơn. Vào tháng 1-2021, Singapore cũng đã giới thiệu một giấy phép lao động mới được gọi là Tech Pass, cho phép các công ty công nghệ tuyển dụng nhân tài nước ngoài với mức lương hàng tháng ít nhất là 20.000SGD. Với sự ra đời của ONE, chính phủ hy vọng rằng việc thu hút thêm nhiều tài năng hàng đầu sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn trong các lĩnh vực tiên tiến như công nghệ và khoa học. Tuy nhiên, cá nhân đạt thành tích cao trong các lĩnh vực như nghệ thuật, thể thao và học thuật cũng sẽ có thể nộp đơn mà không cần đáp ứng đạt được mức lương như trên.
Bắt đầu từ tháng 9, Singapore sẽ tăng mức lương tối thiểu hàng tháng cần thiết cho các công ty từ mức 4.500SGD lên 5.000SGD, để có được EP. Đối với các ứng viên trong lĩnh vực tài chính, ngưỡng mới sẽ được nâng từ 5.000SGD lên đến 5.500SGD để có EP.
Theo Báo Nikkei Asia, chương trình mới nêu bật một sự cân bằng tinh tế mà Singapore đang rất nổi bật, khi họ cố gắng thể hiện nó mở cửa với thế giới, đồng thời giải quyết áp lực bảo vệ công ăn việc làm tại địa phương. Là một quốc gia có ít hoặc không có tài nguyên thiên nhiên, tài năng là nguồn lực duy nhất của Singapore và việc thu nhận tài năng là một chiến lược tấn công của đảo quốc này.
Trong bài phát biểu nhân ngày quốc khánh hồi đầu tháng 8, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ cho các cánh cửa luôn rộng mở đối với người nước ngoài, không ngừng tìm kiếm những tài năng hàng đầu có thể đóng góp vào “câu chuyện Singapore” - một xã hội hài hòa hơn, một nền kinh tế thịnh vượng hơn và một quốc gia thành công hơn cho các thế hệ sau.
Singapore sẽ chứng kiến một nền kinh tế ngày càng dựa vào kỹ năng, cho nên chiến lược ưu tiên là phải điều chỉnh các chính sách của mình để quản lý chất lượng, số lượng và mức độ tập trung của người nước ngoài tại đảo quốc này. Nếu đất nước làm tốt điều này, Singapore - quốc gia phụ thuộc vào thương mại và có lực lượng người không cư trú chiếm hơn 1/4 trên tổng dân số 5,45 triệu người - có thể tiếp tục chào đón lao động nước ngoài và những người nhập cư mới.
Singapore không phải là quốc gia duy nhất đẩy mạnh chiến lược thu hút tài năng quốc tế khi thế giới bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế Covid-19. Vào tháng tới, Thái Lan sẽ giới thiệu thị thực 10 năm để thu hút lao động có tay nghề cao và các nhà đầu tư, với hy vọng trong vòng 5 năm nữa sẽ thu nhận thêm 1 triệu người từ các nền kinh tế tiên tiến. Tại châu Âu, Anh và Đức đã giới thiệu các loại thị thực đặc biệt dành cho những tài năng nước ngoài có tay nghề cao và những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp.