Theo ghi nhận, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm gỗ, điện tử tại Đồng Nai giảm đơn hàng nên buộc phải thu hẹp sản xuất. Trong đó, nhiều công ty cho NLĐ nghỉ không lương từ 1-3 ngày/tuần vì đơn hàng đã giảm 20-50%.
Đơn cử như Công ty CP Nhất Nam (ở KCN Biên Hòa 1), chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu sang Mỹ, đơn hàng giảm 50%, công ty phải tìm khách hàng mới để bù lại nhưng vẫn khó khăn do đa số các thị trường nước ngoài giảm mua. Còn tại Công ty TNHH Vacpro Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 1), từ tháng 8-2022, do sức mua yếu nên hàng tồn kho lớn, các nhãn hàng tạm dừng đặt hàng, dù đơn đặt hàng đã giảm gần 50% so với dịp cuối năm 2021.
Chị Phạm Thị Hiền (SN 1988, ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) làm việc ở một công ty thuộc KCN Biên Hòa 2, cho biết, sau dịch Covid-19 phải ngừng làm việc do giãn cách; tiếp đó, chị sinh con nên nghỉ thai sản 6 tháng, nhưng sau khi đi làm khoảng 7 tháng, công ty ngừng hợp đồng nên thất nghiệp.
Chị nói: “Bấy lâu, tôi quen làm lao động phổ thông cho một số công ty, nhưng nay, công ty thông báo ngưng hợp đồng nên không biết làm gì khác. Một số doanh nghiệp cũng đang tuyển người, nhưng năm hết tết đến rồi, không muốn gửi đơn xin việc, đành chờ năm sau tìm việc mới”.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, đang đối mặt với hàng loạt rủi ro là giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển hàng hóa liên tục leo thang đã đẩy giá thành sản phẩm tăng cao, trong khi đầu ra của sản phẩm vừa bị thu hẹp, lại không thể tăng giá tương ứng, lợi nhuận của doanh nghiệp rất thấp. Nhiều đơn hàng chỉ huề vốn nên doanh nghiệp gồng mình vượt khó, tìm đơn hàng mới dịp cuối năm và đầu năm tới để giữ chân NLĐ. Hiện các công ty lo lắng vì nếu diễn biến kinh tế tích cực, sau dịp Tết Nguyên đán 2023 có đơn hàng mới sẽ khan hiếm lao động phổ thông.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tin, Phó Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien (KCN Tam Phước, TP Biên Hòa) cho biết, công ty có gần 1.200 lao động và lãnh đạo công ty đang tích cực tìm đơn hàng để duy trì công việc sản xuất kinh doanh, đảm bảo mức thu nhập ổn định cho NLĐ và dự kiến sẽ cho NLĐ nghỉ tết gần 1 tháng (năm ngoái nghỉ 12 ngày).
Tương tự, Công ty TNHH T.I.C, (KCN Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) có gần 100 công nhân sẽ nghỉ tết khoảng 15 ngày và ngoài những ngày nghỉ tết theo quy định, công ty sẽ cho NLĐ ứng vào ngày nghỉ phép năm, nếu muốn.
Theo Sở LĐTB-XH tỉnh Đồng Nai, qua nắm bắt tình hình, nhiều công ty lớn đều thiếu đơn hàng nên từ tháng 5 đến tháng 10-2022, toàn tỉnh có 30.000 lao động nghỉ việc, đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Số NLĐ nghỉ việc và đề nghị hưởng chính sách dự kiến còn tăng cao dịp cuối năm. Tỉnh Đồng Nai đang chỉ đạo các sở ngành và địa phương rà soát các doanh nghiệp ngưng hoạt động và số lượng NLĐ không còn việc làm để hỗ trợ kịp thời cho NLĐ tìm việc làm mới, ổn định cuộc sống.
Mới đây nhất, tại cuộc họp với sở ngành địa phương cùng các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, tỉnh sẽ liên kết với Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để cung cấp thông tin, diễn biến mới về các thị trường, ngành hàng để doanh nghiệp biết, chủ động trong điều hành sản xuất, kinh doanh cho phù hợp và sẽ tổ chức các đợt xúc tiến thương mại trong nước, nước ngoài giúp doanh nghiệp tìm thêm đối tác, thị trường xuất khẩu.