Chăm lo công nhân dịp tết
Từ giữa tháng 11, người lao động làm việc tại Công ty cổ phần Sài Gòn Food (KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh) vui mừng khi nhận được thông tin thưởng tết 2 tháng lương.
“Thấy nhiều nơi người lao động bị giảm giờ làm, mất việc do giảm đơn hàng, công ty phá sản, vợ chồng tôi đi làm mà cứ thấp thỏm lo âu. Đi làm cả năm, lương hàng tháng chỉ đủ trang trải cuộc sống, nhà trọ và lo các con ăn học. Để có tiền đưa các con về quê đón tết cùng ông bà, gia đình tôi trông chờ vào phần thưởng tết cuối năm. Nhưng năm nay thấy khó quá nên tôi đâm lo. Khi công ty công bố kế hoạch thưởng tết, vợ chồng tôi an tâm phần nào”, chị Trần Thanh Nga, công nhân công ty tâm sự.
Theo Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Sài Gòn Food Phạm Thị Hồng Hà, từ giữa tháng 11, công ty thông tin kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến người lao động.
Theo đó, công ty dành gần 40 tỷ đồng để chăm lo người lao động công ty. Mỗi công nhân lao động sẽ được thưởng 2 tháng lương, trung bình 16 triệu đồng/người. Riêng những công nhân có tay nghề cao, đạt các danh hiệu thi đua sẽ được thưởng gần 2,5 tháng lương, tương đương gần 30 triệu đồng. Ngoài ra, công ty cũng chi trả tiền những ngày phép năm mà người lao động chưa nghỉ hết, chi thưởng thâm niên cho người lao động, tổ chức xe đưa, đón công nhân về quê đón tết.
Những ngày qua, người lao động Công ty cổ phần In số 7 (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân) cũng vô cùng phấn khởi khi nghe thông tin về thưởng tết công ty đưa ra. Theo đó, dự kiến công ty thưởng tết người lao động 3 tháng lương thực lãnh và công nhân có thể được tạm ứng trước 2 tháng tiền thưởng vào dịp nghỉ Tết Dương lịch.
Ngoài ra, công ty còn thưởng Tết Dương lịch 2 triệu đồng/người, Tết Âm lịch 7 triệu đồng/người, thưởng thi đua bình quân 3 triệu đồng/người và lì xì đầu năm 1 triệu đồng/người.
Theo ông Trương Hoàng Tâm, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần In số 7, đây là cách công ty tri ân người lao động khi đã gắn bó với đơn vị trong suốt thời gian khó khăn. Còn việc công ty thông báo sớm mức thưởng tết cũng như ứng chi tiền thưởng sớm là để công nhân có thể sớm gửi về quê chăm lo gia đình và an tâm lao động trong những ngày cuối năm.
Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, các tổ chức công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở sẽ tham gia cùng doanh nghiệp để có hướng chăm lo tết đến người lao động. Riêng LĐLĐ TPHCM sẽ tổ chức 10 chương trình chăm lo tết đến đoàn viên, người lao động với số tiền dự kiến 140 tỷ đồng. |
Cố gắng chi thưởng dù khó khăn
Dù đơn hàng những tháng cuối năm có giảm 20%-30%, nhưng Công ty Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung 1, TP Thủ Đức) vẫn giữ mức thưởng người lao động từ 1,8-2,2 tháng lương/người, bình quân mỗi lao động được thưởng hơn 13 triệu đồng.
Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch công đoàn Công ty Nissei Electric Việt Nam, cho biết, bên cạnh thưởng tết, công đoàn công ty cũng phối hợp chăm lo tết cho lao động khó khăn. Theo đó, mỗi công đoàn viên được nhận phần quà tết. Riêng với 10 lao động có sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp từ 50 triệu đồng trở lên được tặng vé máy bay về quê đón tết.
Còn tại Công ty Always (KCX Tân Thuận, quận 7), với tình hình đơn hàng gặp khó khăn, nhưng công ty vẫn chi thưởng tết cho người lao động với mức từ 0,8-2 tháng lương/người. Với những công nhân làm việc từ 10 năm trở lên, không vi phạm nội dung sẽ được thưởng 2 tháng lương.
Trên thực tế, trừ những doanh nghiệp đang gặp khó khăn về đơn hàng phải giảm giờ làm, tạm hoãn sản xuất thì dự kiến mức thưởng tết ở nhiều doanh nghiệp tại TPHCM dành cho người lao động là 1 tháng lương cơ bản. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều doanh nghiệp tính toán kỹ lưỡng tình hình lợi nhuận để người lao động có phần thưởng tết tương xứng.
Ông Trần Phước Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Đức cho biết, có rất nhiều nơi khó khăn do thiếu đơn hàng nhưng đa số doanh nghiệp trên địa bàn cho biết sẽ cố gắng thưởng tết một tháng lương.
Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Phạm Chí Tâm chia sẻ, những tháng cuối năm 2022, do ảnh hưởng tình trạng lạm phát ở nhiều nước khiến một số nhãn hàng hủy hợp đồng, giảm đơn hàng, dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước không có đơn hàng mới hoặc giảm đơn hàng (trong đó ngành chế biến gỗ, da giày, dệt may bị ảnh hưởng nhiều nhất). Các nguyên nhân này dẫn tới nhiều doanh nghiệp phải giảm giờ làm, không tăng ca, cho công nhân nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động, thậm chí chấm dứt hợp đồng lao động. Đến cuối tháng 11-2022, tại TPHCM có 155 doanh nghiệp với hơn 50.100 lao động bị ảnh hưởng, khiến thu nhập người lao động bị giảm sút. Chính điều này dự báo sẽ có nhiều doanh nghiệp không đủ nguồn chi phí để thưởng tết lương tháng 13 cho người lao động.