Dự báo, con số này vẫn sẽ tăng trong thời gian tới. Để “giữ chân” cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) cần những giải pháp cụ thể, căn cơ. Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến của ĐBQH, cử tri gửi gắm đến Diễn đàn Quốc hội về vấn đề này.
ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI HOA, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng
Muốn giữ chân CB-CC-VC có năng lực và thu hút nhân tài vào khu vực công thì cần có những giải pháp đột phá bên cạnh những giải pháp lâu dài, mang tầm chiến lược trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền.
Yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế để khắc phục tồn tại của một bộ máy hành chính cồng kềnh, hoạt động chưa thực sự hiệu quả là chủ trương đúng. Bên cạnh đó, cần có chính sách đãi ngộ thực sự xứng đáng để tạo động lực làm việc và sự gắn bó lâu dài cho CB-CC-VC trong bộ máy nhà nước. Chủ trương cải cách tiền lương, tăng mức lương cơ sở là giải pháp cần thực hiện gấp, vì mọi người đã chờ đợi quá lâu. Đồng thời tạo môi trường làm việc lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng giữa các vị trí việc làm; minh bạch cơ chế tuyển dụng và công tác nhân sự; phân công đúng người đúng việc, có cơ chế trọng dụng người tài; thực hiện tinh giản biên chế bằng cách mạnh dạn thay thế bộ phận CB-CC-VC không đáp ứng yêu cầu. Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, cắt giảm hội họp; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung, giảm tải công việc hành chính để tạo điều kiện cho CB-CC-VC có thêm thời gian tập trung nghiên cứu, nâng cao chuyên môn, tận tâm cống hiến.
Từ năm 2021 đến nay, đã có hơn 100 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nghỉ việc. Số bác sĩ nghỉ việc nhiều hơn số nhận vào. Đáng lo ngại, những bác sĩ rời bệnh viện lại là những người có chuyên môn tốt. Nguyên nhân là do thu nhập thấp, áp lực công việc lớn.
Theo tôi, có 2 vấn đề cơ bản cần làm để giữ người giỏi làm trong cơ quan nhà nước nói chung và ngành y tế nói riêng, đó là nâng cao thu nhập và tạo môi trường làm việc tốt, cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp cho CB-CC-VC... Cụ thể, đối với ngành y tế, đó là khoán chỉ tiêu cho các bác sĩ. Thu nhập sẽ dựa trên năng suất làm việc thực tế của các bác sĩ, có như vậy mới khích lệ tinh thần năng động, sáng tạo của các bác sĩ. Ngoài ra, cần có giải pháp để nâng cao thu nhập cho bác sĩ và cán bộ y tế. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường làm việc công bằng, có sự khích lệ để phát triển, cống hiến, chăm sóc bệnh nhân tốt nhất chứ không chỉ là những ràng buộc về cơ chế và những bất lợi từ cấp quản lý.
Ông TRẦN QUANG TUẤN, Bí thư Chi bộ khu phố 6, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM: Phải công bằng cho người lao động
Thời gian gần đây, tình trạng người làm việc trong cơ quan nhà nước nghỉ việc ở nhiều ngành nghề đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Thực tế này đòi hỏi các cấp, các ngành có thẩm quyền phải “giải mã” được xu hướng trên.
Có lẽ thu nhập chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra chỉ là một phần, còn lại do áp lực từ nhiều phía. Chẳng hạn, sự quan tâm, chia sẻ giữa nhà trường, gia đình với thầy, cô giáo; sự chia sẻ của người dân với cán bộ, công chức... Bởi, không chỉ bây giờ lương công chức mới không đủ sống mà từ nhiều năm nay, lương vẫn không đuổi kịp giá cả thị trường, nhưng khi được quan tâm, được chia sẻ, CB-CC-VC sẽ nỗ lực vì những tình cảm ấy. Còn hiện nay, nhiều người chia sẻ rằng họ luôn ở trong tình trạng “trên búa, dưới đe”, và khi tinh thần bị ảnh hưởng thì sự nhiệt huyết, mặn mà với công việc cũng không còn.
Có thể thấy rõ rằng, môi trường làm việc, môi trường phát triển và cả những chế độ, chính sách của người lao động trong khối công lập và khối tư nhân còn nhiều điểm chênh nhau. Điều này là cái gốc của xu hướng nghỉ việc hiện nay của nhiều CB-CC-VC.
Ông NGUYỄN ĐƯỚC, cử tri phường 4, quận 5, TPHCM: Cải cách chính sách lao động, tiền lương phù hợp
Thực tế, thời gian qua đã có hàng chục ngàn CB-CC-VC khắp cả nước xin nghỉ việc, mà nguyên nhân một phần là do thu nhập, tiền lương. Thực tế cho thấy, nếu như thu nhập tốt, đủ chi tiêu và có tích lũy, CB-CC-VC sẽ làm việc tận tụy hơn, hạn chế đến mức thấp nhất hành vi, thái độ không đúng mực trong công việc như vòi vĩnh, nhũng nhiễu người dân khi làm thủ tục hành chính; hoặc nghiêm trọng hơn là hành vi đòi lót tay, nhận hối lộ trong khi giải quyết công việc.
Do vậy, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu và cải cách chính sách lao động, tiền lương đối với CB-CC-VC cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Việc cải cách, tăng tiền lương cơ sở phù hợp với cuộc sống cũng chính là giải pháp tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng lao động, nâng cao chất lượng sống, qua đó nâng cao đạo đức, phẩm giá và trách nhiệm của mỗi CB-CC-VC trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công việc để phục vụ tốt hơn nền công vụ, hạn chế tình trạng CB-CC-VC nghỉ việc.